Tiền Giang: Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong mùa khô 2023-2024

Minh Lâm|19/12/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cống âu Nguyễn Tấn Thành Là công trình cống ngăn mặn trọng điểm nằm trên tuyến thủy lợi huyết mạch của tỉnh Tiền Giang, theo dự kiến đến tháng 7 năm 2024 công trình này sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành và khai thác.

Cống âu ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư và do liên danh Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam – Ticco Tiền Giang thi công.Sau 13 tháng thi công, đến nay công trình đạt khoảng 60% khối lượng, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch. Hiện công trình đã hoàn thành 2 trụ pin, bờ kè phía Đông, một phần âu thuyền và đang tiếp tục tập trung tối đa nguồn nhân lực, vật lực kết hợp với tăng cường quản lí, điều hành tại công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công trụ tháp vận hành, mang cống, nhà điều hành, phần bờ kè còn lại và các hạng mục phụ khác với mục tiêu đưa công trình vào vận hành sớm nhất có thể.

Theo kế hoạch, đến tháng 7/2024, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành và khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho diện tích gần 100.000ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

cong-ngan-man.jpg
Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang  đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Đ.H

Cống ngăn mặn được khởi công vào 11/2022 ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, cách sông Tiền 420m, thuộc địa bàn hai xã Song Thuận, Bình Đức (huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Cống có tổng mức đầu tư hơn 518 tỉ đồng, khởi công tháng 11/2022 và dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên công trình đang vượt tiến độ và dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024.

Theo thiết kế, dự án có hạng mục chính là cống rộng 40m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực. Phần âu thuyền dài 150m có chiều rộng thông nước 12m, cao trình 5,5m. Một số hạng mục phụ bao gồm nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) kinh phí 3.300 tỉ đồng khánh thành hồi đầu tháng 3/2022.

Hiện mặc dù đang trong quá trình thi công, nhưng từ yêu cầu của tỉnh, đơn vị thi công đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mùa mặn 2024 tới đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong mùa khô 2023-2024