Quy hoạch cấp nước sạch phục vụ dân sinh tại các đô thị trong tỉnh Lâm Đồng

ThS.KTS. TRẦN ĐỨC LỘC|13/12/2023 09:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc cấp nước phục vụ dân sinh tại các đô thị và nông thôn trong cả nước (nói chung) và tỉnh Lâm Đồng (nói riêng) đều được bắt đầu từ công tác lập - phê duyệt các cấp độ đồ án khác nhau về lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn, trước khi hình thành các dự án đầu tư xây dựng công trình trong thực tế đời sống.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu khái quát về phương pháp luận và một số nguyên tắc khoa học cơ bản trong các đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD), nhằm tìm kiếm “nguồn cung” về cấp nước sạch trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Những cấp độ và tính chất quy hoạch trong đô thị


Nhiều người thường nói chung chung là “tại quy hoạch”, “vì quy hoạch”…, nhưng thật ra có cả một hệ thống chuỗi các đồ án QHXD về đô thị và nông thôn (theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị). Từ cấp độ nghiên cứu vĩ mô đến vi mô – tùy theo tính chất, diện tích quy hoạch, phạm vi địa giới hành chính, nội dung nghiên cứu… đến phạm trù thẩm quyền phê duyệt từ cấp Trung ương (Chính phủ, Bộ ngành) đến địa phương (gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các huyện/thành phố thuộc tỉnh) – cho từng loại đồ án, gồm: Quy hoạch chung xây dựng - tỷ lệ từ 1/5.000 trở lên, Quy hoạch phân khu (QHPK) - tỷ lệ 1/2.000 và Quy hoạch chi tiết (QHCT) - tỷ lệ 1/500…

lam-dong.jpg
Hồ nước Đan Kia – Suối Vàng

Mỗi cấp độ quy hoạch có tính chất nghiên cứu khác nhau, dẫn đến định hướng và giải pháp mang tính “tổng thể”, hoặc “khu vực chức năng” hay “khu vực xây dựng công trình”; do vậy đồ án quy hoạch phê duyệt sau phải căn cứ từ định hướng và giải pháp của đồ án quy hoạch phê duyệt trước (còn gọi là “Quy hoạch cấp trên”) – một phần để thể hiện tính chấp hành do xuất phát từ thẩm quyền phê duyệt của “cấp trên/cấp dưới”, và đảm bảo tính nguyên tắc khi tuân thủ các định hướng, thông số, chỉ tiêu, yêu cầu, giải pháp… theo từng cấp đồ án quy hoạch được duyệt.

lam-dong-1.jpg
Nhà máy cấp nước Đà Lạt

Với tỉnh Lâm Đồng, khái quát hệ thống đồ án quy hoạch có các cấp độ sau:

(1) Thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm các đồ án: QHXD vùng tỉnh đã phê duyệt (theo Luật Xây dựng) và Quy hoạch tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt (theo Luật Quy hoach). Ngoài ra, còn có Quy hoạch chung xây dựng thành phố (TP) Đà Lạt và Vùng phụ cận, ngoài quy định đối với đô thị tỉnh lỵ loại I, còn do tính chất đặc thù và tầm quan trọng của TP Đà Lạt gắn liền với định hướng quy hoạch chung về hệ thống mạng lưới đô thị Quốc gia của Chính phủ; cũng như việc mở rộng không gian đô thị của Đà Lạt bao trùm đến các huyện giáp cận (gồm: Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà) để hình thành các đô thị vệ tinh của TP Đà Lạt.

(2) Thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, gồm các loại đồ án sau:

• Về QHXD Vùng huyện/thành phố, có các đồ án QHXD cho từng vùng huyện trong tỉnh (gồm 10 huyện). Riêng Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và Vùng phụ cận, Quy hoạch chung đô thị Đức Trọng phải có văn bản thỏa thuận về chuyên môn của Bộ Xây dựng trước khi trình tỉnh phê duyệt (theo quy định đối với đô thị loại III và IV). Ngoài ra, còn do tính chất quan trọng của việc quy hoạch mở rộng không gian đô thị của TP Bảo Lộc, bao gồm cả 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm (theo định hướng đến năm 2040) để trở thành “Thành phố tỉnh lỵ”; cũng như xét tính chất và khả năng chuyển đổi mô hình “Thị xã thuộc tỉnh” đối với huyện Đức Trọng, khi được xác định là đô thị vệ tinh - đô thị cửa ngõ quan trọng của TP Đà Lạt, gắn với việc định hướng phát triển mở rộng Đà Lạt trở thành “Thành phố trực thuộc Trung ương” (đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2050).

• Đối với các huyện trong tỉnh, có các đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị (gồm 13 thị trấn thuộc huyện, chưa kể các xã dự kiến nâng lên thị trấn/đô thị loại V theo định hướng QHXD Vùng tỉnh, như: xã Đạ Mri – thuộc huyện Đạ Huoai, xã Hòa Ninh – thuộc huyện Di Linh, v.v… Riêng đối với các đô thị vệ tinh của TP Đà Lạt, khi triển khai các đồ án Quy hoạch chung xây dựng các đô thị (thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và Lâm Hà) phải tham chiếu và tuân thủ các định hướng từ QHXD Vùng tỉnh, Quy hoạch chung TP Đà Lạt và Vùng phụ cận (do cấp Thủ tướng phê duyệt).

• Đối với các đô thị lớn có vị trí chiến lược trong tỉnh (gồm: Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc…) còn có các đồ án QHPK cho từng khu chức năng, nhằm triển khai các định hướng từ Quy hoạch chung và phủ kín cho toàn đô thị (không áp dụng đối với thị trấn cấp huyện – theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị).

(3) Thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp huyện/thành phố thuộc tỉnh, gồm các đồ án: QHXD cho từng xã thuộc huyện/thành phố (gồm 111 xã) – theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; và QHCT xây dựng các Trung tâm xã, các điểm dân cư nông thôn; bao gồm cả các khu chức năng được xác định từ Quy hoạch chung đô thị cấp huyện, như: QHCT Trung tâm xã Đà Loan và QHCT Khu đô thị Nam sông Đa Nhim – thuộc huyện Đức Trọng…

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong việc cung cấp nước sạch


Qua từng loại đồ án QHXD (nêu trên), đều có mục nghiên cứu, lập bản vẽ “Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật” – trong đó có lĩnh vực cung cấp nước sạch cho cộng đồng trong phạm vi quy hoạch (gồm dân cư tại chỗ và lượng khách lưu trú không thường xuyên, do tăng cơ học). Hồ sơ QHXD – từ khi lập đến khi thẩm định, phê duyệt – phải đảm bảo phù hợp với định hướng (về mục tiêu, tầm nhìn, cấp hạng đô thị…) từ các đồ án quy hoạch cấp trên; tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật về QHXD và Tiêu chuẩn thiết kế đối với loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước tương ứng; tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành và chủ trương chính sách áp dụng tại địa phương…

lam-dong-2.jpg
ThS.KTS. TRẦN ĐỨC LỘC - PCT Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận tại Hội thảo do Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Lâm Đồng tổ chức (ngày 14/9/2023)

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, phải làm rõ các vấn đề sau: Đánh giá hiện trạng cung cấp nước và tỷ lệ hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước sạch (từ nhà máy cấp nước hoặc giếng đào); Phân tích, so sánh, đánh giá nguồn nước, trữ lượng, chất lượng nước, áp lực cấp nước máy, chiều sâu giếng đào… tại thời điểm lập quy hoạch (theo các phương pháp khoa học); Khảo sát thông số tự nhiên về điều kiện khí hậu, thủy văn – nhất là số ngày mưa, vũ lượng mưa, khả năng tích tụ nguồn nước tự nhiên trong các ngày mưa bão và nắng hạn… (qua số liệu thống kê ít nhất 5 năm liên tục và gần nhất); Tính toán “nguồn cầu” từ tốc độ đô thị hóa, quy mô dân số (tăng tự nhiên và cơ học), nhu cầu sử dụng nước và tỷ lệ sử dụng nước sạch… theo định hướng và mục tiêu kỳ vọng của giai đọan quy hoạch; Xác định “nguồn cung” từ nguồn nước thiên nhiên được tích tụ (qua sông, suối, hồ tự nhiên hoặc các bể chứa nhân tạo); đánh giá khả năng mở rộng diện tích mặt nước và gia tăng thể tích nguồn nước chứa; hạn chế tối đa việc khai thác nguồn nước ngầm (qua giếng khoan, giếng đào)... ; Tính toán khả năng hình thành các dự án đầu tư về cấp nước sạch (gồm: nhà máy, bể chứa, mạng lưới đường ống, công nghệ xử lý nước sạch…) từ các nguồn lực tài chính của Nhà nước và Doanh nghiệp – thông qua các chính sách thu hút đầu tư; Đề xuất vị trí hình thành dự án Nhà máy cấp nước (xây dựng mới, hoặc cải tạo, mở rộng…), các bể chứa tập trung và hệ thống mạng lưới cấp nước, nhằm phát triển hệ thống cấp nước, đảm bảo đưa nước đến tận đồng hồ chính của khu vực công trình.

Tuy nhiên, do đặc trưng địa hình miền núi và khả năng tích tụ nguồn nước tự nhiên, nên trong giải pháp QHXD hạ tầng kỹ thuật đô thị (riêng về cấp nước) có thể hình thành 01 nhà máy chính và các bễ chứa tập trung được phân bổ theo từng khu vực; đồng thời bố trí một số Trạm cấp nước cục bộ, nhằm bổ sung nguồn cấp (khi cần thiết), gắn liền với các hồ thủy lợi, hồ cảnh quan được hình thành trong quy hoạch đô thị.

Ví dụ như trường hợp của TP Đà Lạt, có Nhà máy nước Suối Vàng – Đà Lạt và bể chứa nước Tùng Lâm… đều cách xa trung tâm thành phố; ngoài ra, còn có các Trạm cấp nước tại Thung lũng Tình yêu, hồ Than thở, trước đây có cả hồ Xuân Hương... Trong các trường hợp đặc biệt như vậy, phải nghiên cứu giải pháp cấp nước cho đô thị từ các định hướng trong đồ án QHXD Vùng tỉnh, Vùng huyện, liên huyện, hoặc Quy hoạch chung đô thị gắn với Vùng phụ cận, làm căn cứ chủ đạo cho công tác nghiên cứu lập các QHPK và triển khai QHCT để hình thành các dự án đầu tư xây dựng về cấp nước phục vụ dân sinh.

Ngoài ra, trong tất cả các loại đồ án QHXD, quy trình hồ sơ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều phải trải qua các giai đoạn:

(1) Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư; tham khảo ý kiến chuyên ngành từ các sở ngành và các hội nghề nghiệp có chức năng liên quan. Tùy mức độ quan trọng của đồ án/đề án, nếu có sự tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội, phúc lợi, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong vùng quy hoạch, tham khảo ý kiến từ các thành viên/chuyên gia do Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì.

(2) Thông qua cấp Ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (cấp huyện/thành phố đến tỉnh) và Chính quyền địa phương (tùy theo cấp độ và phạm vi, tính chất của từng loại đồ án QHXD).

(3) Thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh hoặc cấp huyện/thành phố (tùy cấp phê duyệt).

Như vậy, để thấy qua từng giai đoạn của hồ sơ, đều có sự tham gia ý kiến từ người dân trong vùng quy hoạch (do chính quyền cơ sở chủ trì) và ý kiến về góc độ quản lý nhà nước từ các Sở ban ngành chức năng (bằng văn bản). Đặc biệt là “kênh” tham khảo các ý kiến chuyên gia “phản biện độc lập” từ các hội nghề nghiệp và “phản biện xã hội” từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, trước khi có Nghị quyết thông qua của Hội đồng nhân dân các cấp (theo quy định). Cuối cùng là Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh hoặc các huyện/thành phố (theo phân cấp).

Qua đó có thể thấy các đồ án QHXD có vai trò quan trọng trong định hướng chiến lược và là công cụ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý QHXD và phát triển đô thị. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để nâng cao chất lượng chuyên môn từ các đồ án QHXD trước khi phê duyệt? Bởi lẽ, trong thực tế quá trình “quản lý sau quy hoạch”, có những đồ án sau khi được duyệt mặc dù chưa đến kỳ điều chỉnh 5 năm/1 lần nhưng đã xuất hiện sự bất cập trong thực tiễn hoặc triển khai không khả thi…, sau đó địa phương lập thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch được duyệt (cục bộ hoặc toàn phần).

Một khi các đồ án QHXD chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và dự báo không sát với tiến trình “đô thị hóa”… thì giai đoạn lập QHCT để hình thành dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (nói chung) và hệ thống cấp nước sạch trong đô thị (nói riêng) sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình tính toán hiệu quả đầu tư, phát huy giá trị công trình trong đời sống xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao tiện ích sử dụng nước sạch cho cộng đồng tại các đô thị.

Để nâng cao chất lượng chuyên môn từ các đồ án QHXD và dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thiết nghĩ, việc chọn lựa tư vấn là đầu mối rất quan trọng. Ngoài quy định đấu thầu chọn lựa đơn vị tư vấn (theo quy định), cần chú trọng đến năng lực - trình độ và trách nhiệm từ vai trò cá nhân (của các nhân tố chủ chốt) trong suốt quá trình tổ chức lập, lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức cộng đồng; qua đó (nếu xét thấy cần thiết) có những cuộc tọa đàm, tranh luận giữa tư vấn với các chuyên gia về “ý kiến phản biện”, để đi đến cùng của bản chất khoa học trước khi có sự thống nhất cao trong Hội đồng thẩm định, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.


Trích tham luận tại Hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt, ngày 14/9/2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quy hoạch cấp nước sạch phục vụ dân sinh tại các đô thị trong tỉnh Lâm Đồng