Tiền Giang: Mỗi năm xử lý trên 100 điểm sạt lở

Tuấn Hưng|15/12/2021 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình hình sạt lở tại Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng, các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương đã xử lý trên 100 điểm sạt lở mỗi năm.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xử lý 547 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng trên 51.000 m, kinh phí trên 346 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 101 điểm sạt lở với chiều dài gần 7.500m, ước kinh phí xử lý trên 133 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn kinh phí do địa phương tự chủ, từ năm 2018 – 2020, tỉnh Tiền Giang đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục xử lý 13 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng trên 7.000 m, kinh phí trên 407 tỷ đồng đồng. Trong đó vốn trung ương là 340 tỷ đồng còn lại do địa phương đối ứng.

Trong năm 2021, Tiền Giang tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai để thực hiện 5 dự án. Trong đó có 3 dự án sạt lở với tổng chiều dài khoảng trên 2.800m, kinh phí trên 110 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương là 90 tỷ đồng, còn lại do địa phương đối ứng. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Năm 2021, tỉnh Tiền Giang khắc phục trên 100 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch nội đồng. Ảnh: Minh Đảm

Ông Nguyễn Tấn Trường, Phó Giám đốc Ban quản lý DAĐT công trình NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Năm nay, tỉnh Tiền Giang được trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý sạt lở. Trong đó, kênh 28 đã được đầu tư xử lý sạt lở khoảng 900m. Hiện nay, tiến độ đã trên 70%, dự kiến bàn giao đầu tháng 12.”

Bên cạnh sạt lở bờ sông, kênh rạch nội đồng sạt lở xâm thực bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, tại những vị trí rừng không còn hoặc đai rừng mỏng đã được đầu tư tư kè mái đê. Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đê biển Gò Công do Trung ương hỗ trợ với kinh phí đã giải ngân đến nay trên 511 tỷ đồng.

Hiện nay Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình NN-PTNT tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt dự án Nâng cấp đề biển Gò Công giai đoạn 2. Dự án sẽ sửa chữa 2 cống dưới đê nhánh 2, 3 và xây dựng mới tuyến đê giảm sóng với chiều dài khoảng 12.500m. Dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm 2022.

Ông Nguyễn Tấn Trường cho biết thêm: “Qua 12 năm triển khai dự án Dự án đê biển Gò Công, các hạng mục chính nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hiện nay, Ban quản lý côg trình NN-PTNT Tiền Giang đã rà soát các hạng mục không cần thiết để kết thúc dự án. Đồng thời, UBND tỉnh cũng có dự án tạo tuyến kè, giảm sóng gây bồi ngoài đê để bảo vệ đê biển”.

Đối với giải pháp công trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở tại các khu vực sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Chủ động huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình…để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Về lâu dài, Chi cục thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần rà soát, quy hoạch các tuyến dân cư ven sông, ven đê biển có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở bố trí dân cư và sản xuất và lập dự án đầu tư các ô bao bảo vệ dân cư, cây ăn trái, lúa trên địa bàn các huyện phía Tây theo quy hoạch được duyệt.

Đồng thời, quy hoạch tuyến luồng chạy tàu và quy định vận tốc tối đa của tàu thuyền trên một số trục giao thông chính để hạn chế sạt lở. Cùng với đó, quy định phạm vi đào kênh và đắp đê, quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn. Khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông như đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng…, hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Tuấn Hưng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Mỗi năm xử lý trên 100 điểm sạt lở