Emagazines

Tín chỉ carbon rừng tại Việt NamBài 2: Những bất cập trong việc hình thành thị trường

Thu Hà 01/11/2024 08:02

Các chuyên gia cho rằng thị trường tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam đầy tiềm năng nhưng thực tế vẫn còn mới. Nhà đầu tư muốn mua tín chỉ carbon chất lượng cao vẫn gặp khó khăn về các chính sách, quản trị và cần hoàn thiện cơ sở pháp lý...

9878-1703646141-13.jpg

Thực trạng chuyển nhượng Tín chỉ carbon rừng

Tín chỉ carbon rừng đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường. Trên thế giới, thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Song hiện nay, Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon rừng, chưa có khung pháp lý và cơ chế rõ ràng cho thị trường carbon rừng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã tham gia Chương trình chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+ theo cơ chế Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng thế giới (WB) từ năm 2011. Đến tháng 10/2020, Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 – 2024 đã được ký giữa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Ngân hàng thế giới (WB). Theo Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm từ REDD+ cho WB với đơn giá 5USD/ tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Dự án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải này được xây dựng theo quy trình và tiêu chuẩn của FCPF cho thị trường carbon bắt buộc. Phía WB nhận chuyển nhượng khoảng 95% lượng giảm phát thải, tương đương khoảng 9,79 triệu tấn CO26.

carbon-rung-2-(1).jpg

Thỏa thuận ERPA được thực hiện đầy đủ chỉ khi Việt Nam ban hành quy định về cơ chế chuyển nhượng kết quả và cơ chế quản lý tài chính. Sau hơn 2 năm ký Thỏa thuận, Chính phủ Việt Nam mới ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt một từ WB là 41,2 triệu USD và giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Theo các chuyên gia, dự án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Thỏa thuận chi trả lượng giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) chưa được coi là giao dịch tín chỉ carbon, mà chỉ được coi là việc WB viện trợ cho Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc WB chi 51,5 triệu USD mua 10,3 triệu tấn carbon rừng giai đoạn 2018 – 2024 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ nói trên là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam.

carbon-rung-3-(1).jpg

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia một số đề án, dự án thí điểm liên quan đến giảm phát thải như Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+ của tỉnh Quảng Nam; Chuyển nhượng cho LEAF/Emergent carbon rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026; Dự án giảm phát thải trong lâm nghiệp vùng trung du, miền núi phái Bắc của Công ty SK Forest; Dự án REDD+ xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Song, các chương trình, dự án về chuyển nhượng carbon rừng hiện nay đa phần là các chương trình hỗ trợ có điều kiện chứ chưa có chuyển nhượng carbon rừng thành công cả trên thị trường thế giới và trong nước.

Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được đẩy mạnh. Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2024. Các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu net- zero mà Việt Nam đã cam kết.

TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch thường trực, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

Những bất cập trong việc hình thành thị trường

Có thể thấy hình thành thị trường carbon rừng ở Việt Nam hiện nay không dễ và có nhiều bất cập, như:

Thứ nhất, mặc dù sở hữu diện tích rừng lớn, có nhiều tiềm năng giảm phát thải nhưng Việt Nam chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng. Điều này là do Việt Nam chưa công bố quy hoạch giảm phát thải. Tức là, chưa rõ diện tích rừng nào có nằm trong quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện (NDC) của Việt Nam hay không. Một dự án giảm phát thải từ rừng nếu muốn chuyển nhượng tín chỉ carbon, bắt buộc phải nằm ngoài diện tích đóng góp vào NDC để tránh lượng phát thải carbon giảm thiểu được tính hai lần.

Thứ hai, việc tính toán lượng giảm phát thải carbon không dễ. Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) mang về hợp đồng 51,5 triệu USD. Song, đây là dự án của WB và họ đã chứng minh được dự án này giảm được 10,3 triệu tấn CO2. Còn đối với Việt Nam, nếu muốn bán lượng giảm phát thải carbon thì phải chứng minh được bằng số liệu thực tế. Tính toán như thế nào và sử dụng cơ sở dữ liệu nào để tính toán là những điều cơ bản nhưng rất quan trọng mà Việt Nam chưa có.

Thứ ba, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã quy định rõ là chỉ sử dụng 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, kiểm soát, giám sát, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; còn lại 96,5% được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện nay, việc chi trả gặp rất nhiều khó khăn do các quy định còn chồng chéo và chưa sát thực tế.

carbon-rung-4-.jpg

Thứ tư, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng có thể mang ra bán, thu tiền về, được thực hiện dưới dạng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính hoặc bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng hiện nay ở Việt Nam mới dừng lại ở việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho WB. Còn các chương trình, dự án thương mại carbon rừng khác cũng là các chương trình, dự án hỗ trợ có điều kiện do thiếu các khung pháp lý. Do đó, cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại tín chỉ carbon rừng đối với thị trường carbon trong nước và quốc tế.

Thứ năm, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, hiện nay, kiến thức và năng lực thực hiện các dự án tín chỉ carbon rừng của các bên có liên quan còn hạn chế. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về thị trường carbon rừng.

Những thách thức cho dự án carbon rừng tại Việt Nam

Hiện tại, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP không đặt ra các rào cản cho việc khởi xướng và thực hiện dự án carbon rừng, nhưng khung pháp lý hiện tại chưa hoàn chỉnh. Có định nghĩa pháp lý và cách thức tạo lập quyền carbon rừng sẽ là một đảm bảo có tính tiên quyết để thu hút nguồn lực tài chính cho dự án carbon rừng. Quản lý nhà nước về dự án carbon rừng cũng cần phải được điều chỉnh càng sớm càng tốt, trong đó có quy định rõ ràng về vai trò của hệ thống đăng ký dự án carbon rừng để tránh đo đếm và công nhận hai lần đối với kết quả giảm phát thải trên cùng diện tích trong cùng thời kì. Đây chính là cơ sở để các cơ quan nhà nước ở địa phương có thể hỗ trợ và quản lý các dự án carbon tại địa phương.

Các phân bổ đóng góp cho cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) cũng phải được nhanh chóng xác định để giải quyết vấn đề liệu khu vực dự án có phải là đối tượng thực hiện nghĩa vụ quốc gia hay không, từ đó mới xác định được số lượng tín chỉ carbon tạo ra từ các dự án đã được thẩm định cho mục đích giao dịch thương mại.

carbon-rung-5-.jpg

Dự án carbon rừng ngoài các hoạt động lâm nghiệp còn có những hoạt động hỗ trợ khác như đồng quản trị, phát triển sinh kế và cộng đồng. Ngoài ra, để có tín chỉ carbon giao dịch được, kết quả hấp thụ khí nhà kính còn phải được đo đạc, lập báo cáo và thẩm định. Do vậy, dự án carbon rừng cần nguồn lực tài chính lớn để triển khai tất cả các hoạt động. Trong khi đó, thị trường carbon rừng có nhiều biến động về giá cả. Khi khu vực dự án có quy mô nhỏ thì nguồn thu từ bán tín chỉ carbon khó có khả năng bù đắp được các chi phí cho các hoạt động.

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là một mô hình điển hình cho thấy nguồn lực tài chính huy động được từ chuyển nhượng kết quả giảm phát thải có thể giải quyết được hàng loạt các vấn đề đặt ra. Đó là tạo nguồn thu cho các hoạt động trồng rừng, tái tạo rừng, bảo tồn rừng; hỗ trợ cho việc tạo ra kết quả hấp thu khí nhà kính đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải; cung cấp nguồn lực để thực hành việc đo đạc và báo cáo kết quả, vốn là công việc còn mới mẻ và yêu cầu chuyên môn cao.

Các thành quả của ngành lâm nghiệp trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra của các nhà khoa học và người dân là liệu diện tích rừng và độ che phủ của rừng tăng lên nhưng chất lượng của rừng có tương xứng với tiềm năng vốn có của rừng hay không. Thương mại hóa kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, biến chúng thành tín chỉ carbon để giao dịch trên các thị trường carbon hứa hẹn tạo ra nguồn lực tài chính lớn cho các hoạt động lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng hướng tới đa dạng sinh học, cải thiện nhiều hơn nữa sinh kế và đời sống của người dân sống dưới tán rừng và phụ thuộc vào rừng, từ đó làm trong lành bầu khí quyển và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hành tinh và con người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam Bài 2: Những bất cập trong việc hình thành thị trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.