Moitruong.net.vn
– Ngày 26/10, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ.
Hiện nay, TP Hạ Long đang là đô thị loại 1, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục của tỉnh Quảng Ninh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Bắc; là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và vùng duyên hải Bắc Bộ; là đô thị dịch vụ – du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Thành phố đang là địa phương phát triển nhanh, mạnh, năng động nhất tỉnh, hàng đầu cả nước; thu ngân sách với quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật, đô thị đồng bộ, hiện đại, ngày càng hoàn thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án động lực.
TP Hạ Long nhìn từ trên cao
Bên cạnh đó, huyện Hoành Bồ có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, mật độ dân số rất thấp; có vị trí đầu mối về giao thông thủy, bộ với các tuyến cao tốc và quốc lộ kết nối đa chiều, hệ thống bến thủy nội địa giáp vịnh Cửa Lục; có quỹ đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên, rừng ngập mặn lớn và đa dạng sinh học; cảnh quan môi trường độc đáo đặc sắc; văn hóa bản địa phong phú; những năm qua, kinh tế – xã hội có bước phát triển khá toàn diện, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khó tạo ra đột phá, còn nhiều xã khó khăn, đời sống nhân dân và dân trí nhiều nơi còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh; đội ngũ cán bộ còn có mặt hạn chế.
Thành phố Hạ Long sau khi mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển kinh tế “một tâm – hai tuyến – đa chiều” “hai mũi đột phá”. Để làm được điều này tỉnh Quảng Ninh cần ưu tiên vốn để triển khai các dự án tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng, không gian phát triển của Hạ Long với huyện Hoành Bồ, vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, vịnh Bái Tử Long gồm các dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1 và 3; đường nối Quốc lộ 18 từ KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều trong đó có đoạn từ đường tỉnh 338 kết nối với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng theo hai hướng đến nút giao Hạ Long Xanh qua KCN Amata đến nút giao Đầm Nhà Mạc.
Theo đó việc mở rộng địa giới hành chính của TP Hạ Long sang huyện Hoành Bồ được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ là một dư địa phát triển đột phá của tỉnh trong thời gian tới. Hạ Long là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa thương mại lớn của Quảng Ninh. Có lợi thế là vịnh Hạ Long được UNESCO nhiều lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Bộ, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quan hệ thương mại và đảm bảo quốc phòng an ninh; có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm du lịch, đầu mối về công nghiệp, thương mại và giao thông dọc hành lang kinh tế ASEAN – Việt Nam và Trung Quốc.
Để tạo nền tảng cho TP Hạ Long trong tầm phát triển mới việc tập trung nguồn lực để thực hiện các công trình hạ tầng động lực là rất cần thiết. Người dân, DN cần ủng hộ cho các dự án để mở rộng không gian đô thị. Quảng Ninh đang tạo môi trường đầu tư, thu hút các dự án hạ tầng tạo động lực để một loạt các dự án sẽ thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Quảng Ninh cần triển khai ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông làm trọng điểm, đảm bảo tính đồng bộ để tạo động lực cho phát triển đưa Hạ Long trở thành thành phố có diện tích lớn nhất cả nước.
Nhật Lệ (T/h)