TP.HCM: Cảnh báo trẻ nhiễm sốt xuất huyết nặng gia tăng

Linh Hoa|28/04/2022 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong những tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Nam bộ ghi nhận tình hình chung đó là khuynh hướng gia tăng số ca mắc Sốt xuất huyết nặng cũng như ghi nhận những ca tử vong, đặc biệt ở trẻ em.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM), những ngày gần đây ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị và nặng có dấu hiệu gia tăng, thậm chí có trường hợp tử vong.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ tháng 3/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 – 100 ca bệnh mắc sốt xuất huyết, trong số này có 15% trường hợp phải nhập viện điều trị ở cả trẻ em và người lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 47 ca sốt xuất huyết trẻ em và 283 ca người lớn. Hiện tại các khoa của bệnh viện đang điều trị khoảng 80-100 ca mắc sốt xuất huyết (cả trẻ em và người lớn), trong đó có những ca mắc sốt xuất huyết rất nặng.

Điều trị bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. Ảnh: NLĐ

Theo các chuyên gia y tế, trẻ mắc sốt xuất huyết được đưa đến bệnh viện thường rơi vào tình trạng sốc xuất huyết nặng và được đưa đến viện nhưng virus tấn công rất nhanh trên cơ địa nhiều bệnh nền, béo phì… Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hai trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, nguyên nhân tử vong là bệnh nhân được phát hiện muộn và nhập viện trễ.

Các bác sĩ cảnh báo, với những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót. Do đó, phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2 – 7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.

Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình và cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh SXH. Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

Linh Hoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP.HCM: Cảnh báo trẻ nhiễm sốt xuất huyết nặng gia tăng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.