TP.HCM: Cấp thiết xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng

Hà Thu (T/h)|17/10/2018 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Sở TN&MT TP.HCM, thành phần của CTR xây dựng rất phức tạp nên việc thu gom và xử lý cũng chia thành nhiều dạng khác nhau. Số ít rác xây dựng là các loại vật liệu có khả năng tái chế, làm vật liệu san lấp như cát, bê tông, gạch, đá,… sẽ được các công trường sử dụng lại để san nền trong công trường hoặc bán cho các đơn vị thu gom để chuyển đến công trường khác có nhu cầu san lấp. Một số loại chất thải còn lại không làm vật liệu san lấp được (như thạch cao) sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh để xử lý. Nhưng phần lớn bị chủ đầu tư công trình, người dân, người thu gom không có ý thức đổ bừa bãi tại các bãi đất trống, vùng ven.

MOITRUONG.NET.VNThống kê chưa đầy đủ từ Sở TN&MT TP.HCM, tổng lượng chất thải rắn (CTR) xây dựng phát sinh trên địa bàn TP khoảng trên dưới 2.000 tấn/ngày nhưng chỉ số ít trong đó được thu gom và xử lý. Số còn lại bị thải bỏ ra môi trường hoặc được chuyển nhượng tự do trên thị trường.

Cần có nhà máy xử lý rác xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh: PLO

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), cho biết số lượng CTR xây dựng do các chủ đầu tư có ký hợp đồng thu gom và xử lý với công ty khoảng 1.250 tấn/ngày. Còn số lượng được các chủ nguồn thải chuyển nhượng tự do trên thị trường hoặc thải bỏ không thể kiểm soát được. Phổ biến nhất là việc hộ gia đình, chủ công trường thuê xe ba gác thu gom và đổ rác xây dựng bừa bãi ra các khu vực vùng ven, bãi đất trống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó GĐ Sở TN-MT TP.HCM cho biết: “Số ít rác xây dựng là các loại vật liệu có khả năng tái chế, làm vật liệu san lấp như: cát, bê tông, gạch, đá…, được các công trường sử dụng lại làm vật liệu san nền hoặc tự bán cho các đơn vị thu gom, để chuyển đến công trường khác có nhu cầu san lấp. Đối với một số các loại chất thải còn lại không làm vật liệu san lấp được như: thạch cao,… được vận chuyển về nhà máy xử lý của Cty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh để xử lý. Số còn lại bị chủ đầu tư công trình, người dân, người thu gom không có ý thức đổ bừa bãi tại các bãi đất trống, vùng ven…”.

Về hoạt động xử lý đối với loại chất thải này cũng được phân chia khá phức tạp. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM thu gom và phân loại tại các trạm trung chuyển. Theo đó, CTR xây dựng có khả năng tái chế san lấp mặt bằng (chiếm trên 95% tổng khối lượng được thu gom) được chuyển sang tái chế thành vật liệu xây dựng thứ cấp. Phần còn lại không thể tái chế (dưới 5% tổng khối lượng thu gom) được chuyển về xử lý tại Công ty Sài Gòn Xanh thuộc Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước. Riêng tại các huyện ngoại thành, CTR xây dựng được đổ thải không có kế hoạch tại nhiều khu đất trống, ven đường giao thông, gây mất mỹ quan và đây đang là vấn đề lớn trong công tác quản lý CTR.

Bên cạnh đó, do TP.HCM chưa có nhà máy xử lý chất thải xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu gom và xử lý lượng rác xây dựng hiện tại và trong tương lai. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động chuyển giao chất thải, giá xử lý rác xây dựng đẩy lên cao, gây khó cho DN. Cty MTĐT là đơn vị được UBND TP giao trách nhiệm thu gom và xử lý rác xây dựng. Giá thành thu gom hợp lý, nhưng do Cty chưa có địa điểm tập trung để xây dựng nhà máy xử lý chất thải xây dựng theo đúng quy định tại Thông tư 08/2017 của Bộ Xây dựng, nên chỉ có thể thu gom với số lượng nhất định. Rác xây dựng sau khi được Cty thu gom được vận chuyển về các trạm trung chuyển của Cty tại trạm trung chuyển rác xây dựng ở quận 11 và Gò Vấp để phân loại tái chế. Lượng rác còn lại không có khả năng tái chế sẽ được chuyển tiếp đến công trường Đông Thạnh.

Trước thực tế đó, Sở TN-MT TPHCM cho rằng, cần thiết phải đưa CTR xây dựng vào diện kiểm soát và xử lý hiệu quả hơn. CTR xây dựng sẽ được xử lý bằng 2 công nghệ chính là chôn lấp và tái chế chất thải. Với công nghệ tái chế, CTR xây dựng đặc biệt là thép, gạch, bê tông, đá… có thể tái chế, tái sử dụng dưới dạng vật liệu san nền hoặc đổ bê tông cường độ thấp hoặc tái chế làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung… Còn với công nghệ chôn lấp, đề xuất áp dụng công nghệ chôn lấp CTR xây dựng được đặt trong khu chôn lấp chất thải tập trung của đô thị.

Hà Thu (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP.HCM: Cấp thiết xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.