TP.HCM còn 22 “điểm đen” ngập sâu

Hồng Anh (t/h)|10/06/2020 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ con số 126 tuyến đường ngập (năm 2018), đến nay TP.HCM tồn tại 22 tuyến đường ngập khi trời mưa xảy ra, chiều sâu ngập từ 0,10m đến 0,30m

Báo cáo trong buổi thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP.HCM sáng 9/6, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP) cho biết: Thống kê qua nhiều năm, đến 2018 TP còn 126 tuyến đường ngập và đến nay trung tâm khẳng định là chỉ còn 22 tuyến ngập. Như vậy, TP đã xóa được 104 tuyến đường ngập.

Danh sách 22 tuyến gồm: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá.

Chiều sâu ngập của 22 tuyến này từ 0,1 m đến 0,3 m (chiều sâu ngập được đo tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường), thời gian nước rút hết nước trên các tuyến đường sau khi hết mưa từ 10 đến 40 phút.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những “điểm đen” ngập úng tại TP. HCM.

Cũng theo ông Điệp, từ đầu năm đến nay có 3 trận mưa lớn, có vũ lượng từ 70,6 mm đến 112,3 mm trong vòng chưa đầy 2 giờ nên gây quá tải cho hệ thống thoát nước.

Trong thời gian mưa, các tuyến đường bị ngập nhưng hầu hết sau khi hết mưa trung bình khoảng 25 phút, nước đã rút hết trên mặt đường.

Riêng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, chiều sâu ngập trong thời gian mưa là 0,30 m, nước rút hết sau khi tạnh mưa là 15 phút. Hiện nay tuyến đường này đang sử dụng hệ thống bơm có công suất từ 27.000 m3/giờ đến 96.000 m3/ giờ để tăng cường khả năng thoát nước, đồng thời đang triển khai thi công dự án sửa chữa, nâng cấp hạ tầng cấp nước đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật đã triển khai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Trong đó vận hành 27 trạm bơm với 58 máy bơm cố định và di động (công suất từ 168m/h đến 84.000 m³/h, tổng công suất 302.880 m/giờ) cùng với việc vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập), đảm bảo theo quy trình và an toàn, phát huy hiệu quả chống ngập do triều.

Nói về công tác ứng cứu ngập, hiện TPHCM tổ chức vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác cảnh báo, hướng dẫn người dân tham gia giao thông qua các khu vực ngập nước.

Với dự án 10.000 tỉ đồng giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1, hiện chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 10-2020.

Dự án này hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập do triều và ngập do mưa kết hợp với triều cường cho khu vực trung tâm TP và các quận 7, 8 và huyện Nhà Bè.

Hồng Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM còn 22 “điểm đen” ngập sâu