TP.HCM: Phấn đấu xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện vào năm 2030
Hiện tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế trên địa bàn TPHCM đạt 33%; 67% còn lại được xử lý bằng công nghệ chôn lấp.
UBND TPHCM vừa có báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo, rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM phát sinh trung bình vào khoảng 13.000 tấn/ngày. Khối lượng rác sau phân loại, tái chế và đưa về các nhà máy xử lý trung bình phát sinh khoảng 10.500 tấn/ngày.
Hiện nay, 33% lượng rác sinh hoạt của TP.HCM được xử lý bằng các công nghệ như đốt không thu hồi năng lượng, compost và tái chế, trong khi 67% vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Để đạt mục tiêu xử lý 100% rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đối phát điện vào năm 2030, TP.HCM đã triển khai 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Trong đó, UBND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án lớn của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Ba dự án khác đang hoàn tất thủ tục pháp lý.
Tháng 7/2024, Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác. Đến cuối năm 2024, Công ty Vietstar dự kiến được cấp phép xây dựng nhà máy, nâng tỷ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện của TP lên 38% (tương đương 4.000/10.500 tấn/ngày).
Trong năm 2025, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý để các dự án đi vào vận hành từ năm 2027. Khi đó, tỷ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện sẽ đạt 80,9%.
Giai đoạn 2026-2030, TP.HCM sẽ xây dựng thêm một nhà máy tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc với công suất 2.000 tấn/ngày theo phương thức đối tác công tư. Nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp thành phố đạt mục tiêu xử lý toàn bộ 10.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày bằng công nghệ đốt phát điện, vừa bảo vệ môi trường vừa thu hồi năng lượng hiệu quả.