Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh trung bình 13.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt
Đây là thông tin được đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra tại Diễn đàn “TP.HCM – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” được tổ chức mới đây.
Phó trưởng Phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - Ông Tống Viết Thành thông tin, trong năm 2024, rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM phát sinh trung bình vào khoảng 13.000 tấn/ngày. Khối lượng rác sau phân loại, tái chế và đưa về các nhà máy xử lý trung bình phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày.
Tỷ lệ tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt từ năm 2020 về trước khoảng 5,6 %, các năm gần đây tốc độ tăng có giảm. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là thành phần hữu cơ (khoảng 50- 60%), thành phần có khả năng tái chế tại khu vực tiếp nhận của các nhà máy xử lý (nhựa, giấy, cao su...) chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 27%).
Hiện tại, 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt được Thành phố xử lý mỗi ngày bằng hai công nghệ chính là chôn lấp (69%) và tái chế, Compost (21%). 10% số chất thải rắn sinh hoạt còn lại được mang đi đốt.
Ngoài ra, có hơn hơn 2.000 nhà máy lớn và khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đang thải ra 3.700 tấn rác công nghiệp và 400 tấn rác sinh hoạt thải mỗi ngày tại TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ có 35% số rác thải này được tái chế, còn lại sẽ được xử lý bằng các phương pháp khác như đốt, hóa lý, để tự phân hủy,…
Bên cạnh đó, 30 tấn chất thải rắn y tế phát sinh mỗi ngày tại Thành phố đều được đem đi đốt.
Ông Tống Viết Thành cho biết, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm lượng rác thải trên địa bàn Thành phố, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham vấn Bộ Tài Nguyên và Môi trường hoàn thiện khung pháp lý, triển khai quy hoạch xử lý chất thải và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn Thành phố, đồng thời ưu tiên chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn hiện hữu theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị Quyết 98 của Quốc hội.
Ngoài ra Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình thí điểm, thực hiện phân loại rác thải nhựa để từng bước hoàn thiện, nhân rộng các mô hình phân loại, tái chế chất thải theo hướng tuần hoàn vật liệu, giảm phát sinh chất thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh,...
Từ năm 2020, Thành ủy, HĐND TP.HCM có chủ trương: Đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới năm 2030 là 100%). Thực hiện chủ trương của Thành ủy và HĐND Thành phố, UBND TP.HCM đã xác định 2 nhóm giải pháp chính bao gồm: chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đang triển khai theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội; kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương thức Đối tác công tư (PPP).