Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, kế hoạch về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TPHCM giai đoạn năm 2024 - 2025 cũng nhằm cụ thể hóa Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố trong quản lý chất lượng môi trường không khí nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Kế hoạch đã đề ra những nhóm mục tiêu cụ thể, bao gồm:
Thứ nhất, TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, giảm 85% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải.
Thứ hai, giảm tối thiểu 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn quy định và 100% cơ sở sản xuất công nghiệp phải lắp thiết bị quan trắc khí thải tự động truyền trực tiếp về Sở TN-MT TP.
Thứ ba, kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, đảm bảo tối thiểu 90% công trình xây dựng tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công;
Thứ tư, kiểm soát hiệu quả mùi, khí thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, hoạt động dân sinh, hướng tới không còn phát sinh trường hợp đốt chất thải sinh hoạt hộ gia đình không đúng quy định gây ô nhiễm không khí.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải; trong đó chú trọng quan trắc và xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM 2.5.
Để thực hiện những mục tiêu trên, TP. HCM đã đề ra một số giải pháp triển khai trong thời gian tới. Các giải pháp tập trung đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu phát thải khí thải, kiểm soát hiệu quả ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, cụ thể: Triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, kiểm soát tốt ô nhiễm không khí từ các nguồn khí thải công nghiệp. Triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thái, kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, nông nghiệp, dân sinh.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế và giao thông vận tải.
Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí, bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý chất lượng môi trường không khí và hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế phát sinh khí thải, bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện không khí bị ô nhiễm.
Ngoài ra, cần phát triển công viên và cây xanh công cộng, tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư, cơ quan, trường học, hộ gia đình trên địa bàn TP.
Cuối cùng, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí. Triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2026 - 2030.