TP Hồ Chí Minh: 100% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2030

Hoàng Thơ |21/11/2024 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 3.317 xe buýt phục vụ vận tải công cộng và 100% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.

Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang triển khai lấy ý kiến các cơ quan chức năng về kế hoạch phát triển hệ thống xe buýt chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông giai đoạn 1 chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TPHCM do Sở GTVT soạn thảo, mục tiêu đến năm 2030 có 3.317 xe buýt phục vụ vận tải công cộng và 100% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.

buyt-dien-7094.jpg
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 3.317 xe buýt phục vụ vận tải công cộng và 100% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh

Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện và đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc điện giai đoạn 2025-2030 khoảng 34.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm chi phí 5.667 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn từ ngân sách là 18.324,1 đồng, sẽ phân bổ như sau: trợ giá cho các tuyến mở mới là 1.685,1 tỷ đồng; đầu tư, vận hành trạm sạc điện là 1.347 tỷ đồng; trợ giá trên các tuyến hiện nay 13.867 tỷ đồng.

Vốn đầu tư của doanh nghiệp dự kiến đạt 15.680 tỷ đồng, trong đó dành cho việc đầu tư và thay thế phương tiện là 14.740 tỷ đồng; xây dựng và vận hành trạm sạc điện là 939,7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ có 25 trạm sạc với tổng cộng 269 trụ sạc, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các phương tiện giao thông xanh.

Trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thêm 72 tuyến xe buýt mới với 1.108 xe, trong đó có 69 tuyến được trợ giá. Về giá thành xe buýt điện, tham khảo từ Công ty Vinbus, xe lớn có giá khoảng 7,438 tỷ đồng, xe trung bình 5,748 tỷ đồng và xe nhỏ 4,057 tỷ đồng.

Đề án cũng đề xuất TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phần lớn lãi suất cho các doanh nghiệp mua xe buýt, với lãi suất cố định 3%/năm đối với phần vốn vay, trong khi phần chênh lệch lãi suất còn lại sẽ do Nhà nước hỗ trợ. Mức vốn vay tối đa lên đến 85% giá trị đầu tư và thời gian hỗ trợ kéo dài đến 7 năm. Đối với việc đầu tư trạm sạc điện, thành phố hỗ trợ 5% lãi suất, với mức vay tối đa 85% và thời gian hỗ trợ tối đa cũng là 7 năm.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, giải pháp này phù hợp với cơ sở pháp lý và thực tiễn, đủ hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia xe buýt sử dụng năng lượng xanh, đầu tư xây dựng trạm sạc điện phục vụ cho phương tiện giao thông trên địa bàn TPHCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh: 100% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2030
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.