Tp. Hồ Chí Minh – Bài 2: UBND huyện Bình Chánh đang ở đâu khi để các bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?

Hải Phong – Đức Anh|18/08/2019 22:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, hết hạn giấy phép bến thủy nội địa. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà các bến bãi VLXD này vẫn “nhởn nhơ” hoạt động, khiến người dân vô cùng bức xúc.

VIDEO: UBND huyện Bình Chánh đang ở đâu khi để các bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?

Cần đình chỉ các bãi VLXD hoạt động trái phép

Trước đó ngày 11/6, Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đăng tải bài viết về các bến bãi VLXD tại đường Vườn Thơm, ấp 4, xã Bình Lợi hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đăng tải bài viết, UBND huyện Bình Chánh đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí và xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đất đai, bến thủy nội địa theo quy định. Báo cáo kết quả cho UBND huyện trước ngày 20/6/2019.

Ông Huỳnh Văn Thanh – Trưởng phòng QLĐT huyện Bình Chánh khẳng định: “Các bãi VLXD mà tòa soạn Moitruong.net.vn đăng tải là hoàn toàn trái phép, cần phải xử lý dứt điểm”

Nhằm làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Bình Chánh trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường, đất đai, bến bãi VLXD trên địa bàn. Làm việc với PV Moitruong.net.vn, ông Huỳnh Văn Thanh – Trưởng phòng Quản lý đô thị cho biết: “Các bến bãi hoạt động hiện nay đều hoàn toàn trái phép, ngay sau khi báo phản ánh về các bãi VLXD tại xã Bình Lợi, UBND huyện đã thành lập đoàn xuống kiểm tra 02 lần và yêu cầu các bãi VLXD phải ngưng hoạt động, tập kết và theo báo cáo của xã Bình Lợi trong vòng 30 ngày nếu các bến bãi không hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, thì UBND huyện sẽ có biện pháp đình chỉ hoạt động các bến bãi này, vì theo thẩm quyền cấp phép bến thủy do Sở giao thông vận tải. Hiện nay, tất cá các bến bãi tại xã Bình Lợi đều đã hết hạn giấy phép bến thủy nội địa, và Sở Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến của huyện về các bến bãi và giao cho Khu quản lý đường thủy tham gia thực hiện. Thực tế các bến bãi VLXD trên địa bàn hoạt động chưa đảm bảo về quy hoạch và không phù hợp. Do vậy, muốn được cấp các phép, các bến bãi phải phù hợp quy hoạch, đảm bảo về môi trường, đất đai, an toàn đường thủy, đường bộ cũng như phòng cháy chữa cháy có vậy thì mới đủ điều kiện cấp phép được.

Mặc dù hết hạn giấy phép bến thủy nội địa nhưng công ty TM XD Đá Vàng Xanh vẫn cho tàu chở cát sỏi cập bến hoạt động bất chấp pháp luật

Cũng theo ông Thanh khẳng định, hiện nay các bến bãi hoạt động không phép, trách nhiệm chính thuộc về UBND xã, vì xã là đơn vị quản lý và giám sát trực tiếp, nếu phát hiện vi phạm theo thẩm quyền phải xử lý, vượt thẩm quyền phải kiến nghị lên huyện nhằm kịp thời xử lý các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên trước các đơn vị vi phạm, phòng Quản lý đô thị cũng đều liên đới trách nhiệm vì chưa kịp thời phát hiện vi phạm và báo cáo UBND huyện kịp thời chỉ đạo xử lý.

Ông Thanh tiếp tục viện dẫn, trong điều 23, Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ về chức năng và thẩm quyền của các đơn vị liên quan trong việc xử phạt về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và xử lý các bến bãi hoạt động trái phép. Theo Nghị định 132 này thì cấp xã và bên công an là cơ quan chính và chịu trách nhiệm trong việc xử lý, yêu cầu ngưng hoạt động các bãi VLXD trên địa bàn. Đối với các bến bãi mà sở Giao thông cấp phép, sở Giao thông phải có trách nhiệm đi kiểm tra, giám sát và xử lý.

Về thông tin báo Moitruong.net.vn phản ánh các bến bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường vừa qua trên địa bàn là hoàn toàn khách quan, không những vậy trong các cuộc tiếp xúc cử tri người dân cũng có nhiều ý kiến về các bến bãi hoạt động gây ô nhiễm, trái phép hiện nay.

Các tàu thuyền vẫn tiếp tục được cập bến để bốc dỡ cát, đá lên bờ, mặc dù các bến bãi VLXD này đều không có phép, nhưng không thấy lực lượng công an đường thủy, thanh tra giao thông, cảng vụ đường thủy vào cuộc ngăn chặn, xử lý.

Liên quan đến 15 điểm kinh doanh VLXD tại Tuyến đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, ông Thanh tiếp tục khẳng định: “Các đơn vị này hiện hoạt động hoàn toàn trái phép, đều hết hạn giấy phép bến thủy nội địa, không phù hợp và không nằm trong quy hoạch của địa phương. Việc hết hạn giấy phép, mà các bến bãi này vẫn hoạt động, trách nhiệm chính thuộc về xã Lê Minh Xuân và Công an giao thông, thanh tra Sở giao thông vận tải và Cảng vụ đường thủy khi không quyết liệt xử lý.

Mặc dù các bến bãi tập kết VLXD tại xã Lê Minh Xuân đang hoạt động trái phép nhưng chính quyền xã vẫn “ngó lơ” cho các bến bãi này hoạt động vi phạm pháp luật

Qua thông tin Tòa soạn Moitruong.net.vn phản ánh, phòng Quản lý đô thị, sẽ tham mưu báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý nghiêm các bến bãi mà báo chí đã phản ánh thời gian qua.

Khi PV đề nghị ông Thanh cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc quản lý, kiểm tra, xử lý các bến bãi VLXD trên địa bàn, ông Thanh cho biết phải xin ý kiến ông Phạm Nhật Trường – Chánh văn phòng UBND, nếu đồng ý thì mới được phép cung cấp. Vậy với vai trò của ông Trường – CVP hiện nay có tẩm ảnh hưởng như thế nào khi các phòng chức năng phải xin ý kiến và đồng ý thì mới được cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cho báo chí? đây có phải quy định của huyện Bình Chánh?. Quy định này có nằm trên Luật báo chí? Cho đến nay Tòa soạn chưa nhận đc các văn bản mà PV đề cập ông Thanh cung cấp trước đó.

Vi phạm về môi trường, đất đai nhiều năm nhưng không bị xử phạt

Việc vi phạm tràn lan trên đất nông nghiệp, đặc biệt trên đất trồng cây lâu năm nhưng không hiểu vì sao huyện Bình Chánh và Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh vẫn “tiếp tay” cho các bãi tập kết VLXD vô tư hoạt động bất chấp pháp luật.

Tiếp tục làm việc với bà Hồ Ngọc Hiếu – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Lê Minh Xuân và xã Bình Lợi có 20 bãi kinh doanh tập kết VLXD, các đơn vị này đều hoạt động trên đất hành lang bảo vệ kênh rạch và đất trồng cây lâu năm, không nằm trong quy hoạch của huyện về bến bãi, vì vậy, các bến bãi đang hoạt động là hoàn toàn trái phép. Trong quá trình hoạt động các bến bãi có phát sinh bụi do bốc xếp đất, đá cũng như các phương tiện xe vận chuyển vật liệu làm rơi vãi khiến người dân bức xúc. Những thông tin mà Tòa soạn Moitruong.net.vn phản ánh vừa qua là hoàn toàn chính xác, phản ánh đúng thực tế hiện trạng các bến bãi VLXD đang hoạt động trái phép hiện nay”.

Bà Hồ Ngọc Hiếu – Phó Phòng TN&MT huyện Bình Chánh khẳng định: “Hiện nay các bãi VLXD qua báo chí phản ánh đang hoạt động gây bụi, bẩn, mất an toàn giao thông, vi phạm luật đất đai, môi trường là hoàn toàn chính xác”

Ngoài ra, huyện Bình Chánh đã chỉ đạo xã Bình Lợi và xã Lê Minh Xuân cần khẩn trương rà soát, việc sử dụng đất của 20 đơn vị này, vấn đề xử lý về vi phạm đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.

Khi được hỏi, việc các bến bãi hoạt động nhiều năm không có các thủ tục môi trường, tại sao UBND huyện Bình Chánh không ra Quyết định xử phạt? bà Hiếu tiếp tục ngụy biện, việc các đơn vị hoạt động gây ô nhiễm huyện chưa xác lập được hành vi vi phạm mà chỉ ghi nhận trong quá trình hoạt động vận chuyển bốc xúc đất, cát, đá gây bụi bẩn, việc đó huyện và xã cũng đã làm việc trực tiếp với các đơn vị và yêu cầu thực hiện các biện pháp về vệ sinh, tưới phun, xịt nước tạo độ ẩm để không phát tán vào nhà dân. Hằng năm, huyện đều có thực hiện kiểm tra về bảo vệ môi trường và có phát hiện các đơn vị vi phạm không có kế hoạch bảo vệ môi trường, huyện chỉ nhắc nhở chứ chưa bao giờ xử phạt về môi trường.

Hướng xử lý đối với các đơn vị vi phạm, bà Hiếu cho biết: “Phòng đang tiến hành làm việc với các bến bãi VLXD trên mức độ vi phạm, phòng sẽ báo cáo UBND huyện Bình Chánh ra Quyết định xử phạt về môi trường đối với các đơn vị này”.

Việc các bến bãi hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật nhưng không bị vấp phải sự “can thiệp” của chính quyền huyện Bình Chánh và các sở ngành chức năng của Tp. Hồ Chí Minh. Vấn đề này đang khiến dư luận hết sức bất bình.

Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố Hồ Chí Minh đến đâu trong việc xử lý các phương tiện đường thủy, đường bộ vi phạm?

Toà soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.

Hải Phong – Đức Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tp. Hồ Chí Minh – Bài 2: UBND huyện Bình Chánh đang ở đâu khi để các bãi VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?