Bình Chánh (Tp.Hồ Chí Minh) – Bài 1: Tràn lan bãi tập kết VLXD trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường

Hải Phong – Đức Anh|13/08/2019 06:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, không giấy phép bến thủy nội địa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Nhưng đến nay, các bãi tập kết VXD nằm trên trục đường Mai Bá Hương và kênh Xáng Đứng của tổ 1,2 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh vẫn ngang nhiên hoạt động, khiến người dân nơi đây hết sức bất bình.

Bãi tập kết VLXD trái phép tồn tại nhiều năm    

Thời gian gần đây, khi đi qua đường Mai Bá Hương và kênh Xáng Đứng của tổ 1,2 xã Lê Minh Xuân nhiều người rất bức xúc trước việc các bãi tập kết VLXD không có giấy phép bến thủy nội địa, môi trường, vi phạm luật đất đai và an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Nhưng đã nhiều năm nay, các bến bãi VLXD này vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp pháp luật, không chịu ngưng hoạt động, vẫn tiêp tục múc cát, sỏi từ tàu lên bãi khiến công tác thực thi phát luật của chính quyền xã Lê Minh Xuân và huyện Bình Chánh tại đây gần như bị tê liệt.

Mặc dù các bến bãi tập kết VLXD tại xã Lê Minh Xuân đang hoạt động trái phép nhưng chính quyền xã vẫn “ngó lơ” cho các bến bãi này hoạt động vi phạm pháp luật

Chị Ng.M.Ph, một hộ dân sống gần các bãi tập kết VLXD cho biết: “Nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy có hàng trăm xe ô tô tải lớn nhỏ nối đuôi nhau chở cát gây bụi mịt mù, gây ô nhiễm môi trường làm hư hại đến hệ thống đường sá, gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, các bãi VLXD này tập kết sát mép đường Mai Bá Hương nên các xe chở cát, sỏi đi ra kéo theo đất cát rơi vãi ra đường khiến người dân đi qua rất bức xúc, chúng tôi đã kiến nghị tới ấp và xã nhiều lần về vấn đề bụi bẩn này rồi. Nhưng đến nay, không được quan tâm, giải quyết. Chắc họ đi đêm với các ông chủ bãi cát này hết rồi.

“Không hiểu sao cơ quan chức năng cấp trên phê duyệt thế nào mà lại để các bãi VLXD hoạt động khi không đủ điều kiện về diện tích, an toàn giao thông đường bộ, môi trường, đất đai… Hằng năm có rất nhiều đoàn về kiểm tra các bến bãi này nhưng không biết có, lập biên bản vi phạm buộc dừng hoạt động hay không, về vấn đề này người dân cũng rất băn khoăn không biết xã và huyện quản lý thế nào, không hiểu vì lý do gì mà nhiều năm nay, các bãi tập kết cát, sỏi, đá  vẫn ngang nhiên tồn tại. Chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm di dời các bãi VLXD này đi nơi khác để môi trường được thông thoáng và không để xảy ra mất an toàn giao thông nữa”, ông Q – một người dân nơi đây bức xúc nói.

Các tàu thuyền vẫn tiếp tục được cập bến để bốc dỡ cát, đá lên bờ, mặc dù các bên bãi VLXD này đều không có phép

Ngoài ra, cũng theo những người dân sinh sống tại đây cho biết, các bãi cát này họ rất mạnh về tài chính và quan hệ nên mỗi khi các đoàn kiểm tra đến làm việc rồi lại về trong “vui vẻ”, đến nay có biến chuyển gì đâu? Sự việc diễn ra nhiều năm nay rồi, ai đi qua đây cũng bức xúc vì bụi bẩn, tai nạn giao thông luôn rình rập.

UBND xã Lê Minh Xuân đang tiếp tay cho sai phạm

Nhằm làm rõ trách nhiệm của UBND xã Lê Minh Xuân, trước đó, PV đã liên hệ làm việc với ông Hồ Phú Quyền – Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân nhưng hơn 1 tháng sau UBND xã Lê Minh Xuân mới bố trí làm việc với PV. Tuy nhiên, khi làm việc với PV thay vì ông Hồ Phú Quyền – Chủ tịch làm việc thì vị Chủ tịch xã này lại đùn đẩy “đá bóng” cho bà Nguyễn Kim Mai – Phó Chủ tịch phụ trách mảng văn xã làm việc.

Các phương tiện bốc xúc cát, đá hoạt động rất tấp nập

Như một sự sắp đặt từ trước của vị Chủ tịch xã, bà Mai – Phó Chủ tịch xã Lê Minh Xuân như một diễn viên đóng thế, khi làm việc PV hỏi cái gì bà Mai cũng đều nói  không biết, vì lý do tôi không phụ trách lĩnh vực này nên không nắm được. Muốn biết rõ, đề nghị PV liên lạc với ông Quyền – Chủ tịch xã làm việc để có thông tin cụ thể. Ngay sau đó bà Mai đưa cho PV một văn bản số 1276/UBND do ông Hồ Phú Quyền kí gửi Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống.

Các bến bãi VLXD ngay sát đường nên nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao

Tuy nhiên, nội dung trong văn bản phản hồi tòa soạn rất hời hợt, không đúng nội dung câu hỏi mà PV đã gửi trước đó, đặc biệt ông Quyền đã né tránh trả lời những câu hỏi về quy trách nhiệm khi đang “tiếp tay” để các bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Dư luận có quyền đặt dấu hỏi, phải chăng năng lực của vị “quan xã” này quá yếu kém, không đủ khả năng điều hành nên mới “trốn tránh” báo chí? nhằm bịt thông tin?. Theo tìm hiểu, mặc dù tất cả các bến bãi VLXD tại xã Lê Minh Xuân hiện nay đã hết hạn giấy phép bến thủy nội địa, không có thủ tục môi trường, vi phạm luật đất đai… nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật và chính quyền các cấp thành phố Hồ Chí Minh.

Trong nội dung văn bản do ông Hồ Phú Quyền kí và gửi tòa soạn nói rõ; trên địa bàn xã có tổng 15 đơn vị hoạt động kinh doanh VLXD, trong 15 doanh nghiệp hiện đang hoạt động đến nay đã hết hạn Giấy phép bến thủy nội địa. Ngoài ra, các bãi VLXD hiện đang hoạt động đều không phù hợp về kinh doanh VLXD trên địa bàn. Liên quan đến cấp phép, quản lý các bến bãi này, ông Quyền – Chủ tịch xã tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm tới UBND huyện Bình Chánh và sở Giao thông vận tải vì vấn đề này thuộc thẩm quyền của cấp trên. Về nội dung này, đề nghị UBND huyện Bình Chánh và sở Giao thông vận tải cần vào cuộc kiểm tra và truy cứu trách nhiệm công vụ đối với ông Quyền – Chủ tịch xã Lê Minh Xuân về thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn.

Bà Nguyễn Kim Mai – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân

Sau khi làm việc, bà Mai – Phó Chủ tịch xã đã cùng PV đi thực tế các bến bãi VLXD tại đường Mai Bá Hương. Như một sắp xếp có bài bản “chủ đích” của các “quan” xã Lê Minh Xuân, để đối phó với sự giám sát của báo chí.

Có mặt tại đây hầu hết các bến bãi đều dừng hoạt động, tuy nhiên các sà lan chở cát, sỏi, đá vẫn được ùn ùn kép đến và chỉ chờ PV ra về là tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm múc và tập kết VLXD lên bãi, điều này cho thấy chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy đang bị bất lực trước các sai phạm này. Hơn nữa, tại đây những đống cát được các doanh nghiệp tập kết chất cao như núi sát mép kênh Xáng Đứng và đường Mai Bá Hương nhưng không bị lực lượng chức năng vào cuộc, can thiệp, xử lý.

Các xe chở cát, đá khi lưu thông ra đường không được rửa lốp nên đã kéo đất đá ra đường gây ô nhiễm, khiến người dân đi qua đây vô cùng bức xức

Theo quan sát của phóng viên moitruong.net.vn, các Bãi tập kết này rộng hàng ngàn mét vuông. Các xe ra vào không có cầu xịt lốp nên khi đi ra đã kéo theo đất cát đá, rơi vãi gây bụi mù mịt, ảnh hưởng đến cuộc sống và người tham gia giao thông. Ngoài ra, tuyến đường Mai Bá Hương được sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh đặt và cắm biển có 10 tấn nhưng tại tuyến đường này nhiều năm qua luôn phải “oằn mình” chống chọi với các xe chở VLXD quá tải trọng “3 chân, 4 cẳng”  ra vào ăn cát, sỏi khiến tuyến đường Mai Bá Hương có đoạn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ổ gà, ổ voi xuất hiện ngày một nhiều.

Các xe trọng tải lớn vẫn vào “ăn” cát đá tại các bến bãi VLXD trái phép, nhưng xã Lê Minh Xuân và cơ quan chức năng của huyện Bình Chánh vẫn không hề hay biết

Trước đó tại buổi làm việc với bà Mai, PV đã đề nghị cung cấp các hồ sơ pháp lý về môi trường, đất đai, giấy phép bến thủy nội địa, các biên bản kiểm tra, xử phạt đối với các bến bãi VLXD trên địa bàn cho PV, bà Mai cho biết sẽ xin ý kiến ông Quyền – Chủ tịch và cung cấp cho PV khi ông Quyền đồng ý. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, sau rất nhiều lần PV liên hệ gọi điện cho bà Mai để được cung cấp hồ sơ tài liệu nhưng đều bất thành.

Có thể nói, trước hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về các bến bãi VLXD tại xã Lê Minh Xuân và xã Bình Lợi. Trách nhiệm người đứng đầu về cấp Ủy và Chính quyền huyện Bình Chánh và Công an thành phố Hồ Chí Minh đến đâu? Các cơ quan này liệu có vô can?

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin tới quý bạn đọc trong bài tiếp theo!

Hải Phong – Đức Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Chánh (Tp.Hồ Chí Minh) – Bài 1: Tràn lan bãi tập kết VLXD trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.