Kiểm tra cao điểm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Canh Tý 2020. Ngày 7/1, đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức và chợ truyền thống Thủ Đức (Q. Thủ Đức, TP.HCM).
Tại chợ đầu mối Thủ Đức – chợ nông sản lớn nhất tại TP TP Hồ Chí Minh, đoàn đã kiểm tra các loại hàng hoá, thực phẩm được bán ở đây. Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Tổng giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về chợ trung bình 3.500 tấn/ngày, BQL chợ thường xuyên kiểm tra hồ sơ chứng từ, tập huấn về ATTP cho tiểu thương.
Ông Nhu cho biết thêm, năm nay, rau, củ, quả của Việt Nam được nhập về chợ chiếm từ 75-80% tổng lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm, còn lại là nông sản được nhập khẩu từ Trung Quốc, Úc… Đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đều kiểm soát hoá đơn chứng từ nhập khẩu hợp lệ.
Cán bộ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thực phẩm phục vụ Tết. Ảnh báo Thanh Niên.
Ngoài ra, để tránh gian lận thương mại, Ban quản lý chợ đã yêu cầu tiểu thương phải thực hiện ghi chép các thông tin liên quan đến hàng hoá, ghi rõ xuất xứ trên bảng hiệu để người mua hàng nắm được nguồn gốc, xuất xứ và lựa chọn sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nan giải nhất vẫn là tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối. Dù đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhưng do chợ nằm giữa địa bàn giáp ranh của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nên vẫn chưa xử lý được triệt để.
Ngoài ra, tình trạng sử dụng chất cấm, quá nồng độ trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm xung quanh chợ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP Hồ Chí Minh cho biết, các trường hợp phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, không chứng minh được xuất xứ sẽ bị tiêu hủy ngay tại chỗ. BQL ATTP thành phố xử lý nghiêm theo pháp luật, các mức xử phạt cũng đã tăng rất cao như với cùng hành vi tự công bố. Nếu tự công bố mà sau đó không làm đúng, khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị phạt rất nặng, lên cả chục triệu đồng. “Với những hộ nhiều lần vi phạm ATTP, chúng tôi có thể đề nghị xứ lý hình sự. Bên cạnh đó, Ban cũng công khai những đơn vị vi phạm lên phương tiện thông tin truyền thông để người tiêu dùng biết và có sự lựa chọn khi mua hàng hoá”, bà Lan cho biết.
Bà Lan cho biết, trong đợt kiểm tra cao điểm này, BQL An toàn thực phẩm đã thành lập 30 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như rau, củ, quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, kho lạnh tích trữ thực phẩm để phục vụ Tết… Song song đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của 24 quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Mai Anh (t/h)