Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual đo được tại nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh có chất lượng không khí không lành mạnh (nồng độ bụi mịn PM2.5) đạt ngưỡng 165, vượt ngưỡng nhiều lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Báo cáo của Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới AirVisual cho biết, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 22/134 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu và nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt quá 5 - 7 lần so với mức độ không khí đảm bảo. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ hàng ngàn công trình xây dựng đang thi công, cộng với sự tham gia giao thông của hàng triệu phương tiện cá nhân mỗi ngày khiến bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, khó chịu.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9/2024, Thành phố đang quản lý khoảng 9,5 triệu phương tiện, tăng 4,77% so cùng kỳ. Chưa kể, bình quân khoảng 1,5 - 2 triệu phương tiện của người dân từ các địa phương khác lưu hành trên địa bàn Thành phố mỗi ngày.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có ít nhất 70.000 người chết vì ô nhiễm không khí, trung bình cứ 7,5 phút lại có một người ra đi vì một căn bệnh nào đó do tiếp xúc không khí bị ô nhiễm.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng cao, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp như: Giảm tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe gắn máy, tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng như metro, xe buýt, khuyến khích sử dụng xe đạp. TP Hồ Chí Minh từng bước thay thế nhiên liệu DO sang khí thiên nhiên nén (CNG), khuyến khích sử dụng xe điện.
Sở Giao thông Vận tải đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong tháng 9/2024, Sở hoàn thiện xong Chuyên đề giai đoạn 1 về Chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh.
Theo đề án, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu chuyển đổi 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh vào năm 2030.
Thực tế, việc bảo vệ môi trường không khí cần được xác định là công việc chung của toàn xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần dành nguồn lực thực hiện quyết liệt, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay; chủ động sáng tạo, triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung (kiểm soát nguồn thải lớn, hạn chế nguồn thải phân tán), đặc biệt giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu bầu trời xanh - không khí sạch.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi, hạn chế tiếp xúc các nguồn phát thải chất ô nhiễm như, phương tiện giao thông, công trình xây dựng và khu vực đun nấu bằng than, củi. Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm, nếu xuất hiện triệu chứng như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện…