TP Hồ Chí Minh: Tập trung cải tạo và xử lý ô nhiễm kênh, rạch

Tuấn Kiệt|14/07/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm kênh rạch những vẫn chưa giải quyết được tận gốc. Tuy nhiên, nhiều nơi, dòng kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối, rác thải trôi nổi sau mỗi trận mưa. Rất cần những biện pháp dài hạn để "xanh hóa" các tuyến kênh rạch.

TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000km kênh rạch, đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn. Những năm qua, với sự nỗ lực của thành phố, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé một phần hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống kênh rạch khác vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng bị lấn chiếm gây ô nhiễm, bởi rác, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường.

Được đầu tư cải tạo từ 8 năm trước, kênh Tân Hóa - Lò Gốm hiện nay vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm, rác thải sinh hoạt trôi nổi, dòng kênh nước đen bốc mùi hôi thối. Không chỉ có vậy, sau mỗi trận mưa lớn, một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng thường xuyên xuất hiện rác thải từ hệ thống cống đổ ra, Nước ở đoạn đầu kênh ở quận Tân Bình có màu đen và bốc mùi, đặc biệt vào thời điểm mực nước xuống thấp; Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hiện tượng cá chết trên đoạn kênh này.

o-nhiem-kenh-rach.jpg
Dù chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo, nhưng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tình trạng rác thải sinh vẫn chưa giải quyết triệt để

Để giải quyết thực trạng trên, giúp hồi sinh các tuyến kênh, rạch, để việc giảm ngập, tiêu thoát nước tốt hơn, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền các cấp của thành phố đã nỗ lực, tập trung thực hiện một số giải pháp như:

Đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải đô thị: Thành phố đã đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát nước để đảm bảo việc tiếp nhận và xử lý nước thải dễ dàng và hiệu quả. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước thải trong quá trình xả vào kênh và rạch.

Trước đó, ngày 25/1/2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045. Đề án này được xây dựng dựa trên các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt với thời gian quy hoạch đến năm 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, định hướng về quy hoạch chống ngập và xử lý nuớc thải giai đoạn 2020 – 2045, thành phố đặt chỉ tiêu 80% đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường trong giai đoạn năm 2020 – 2025.

Đến nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt được xử lý là 193.350m3/ngày (gồm 03 nhà máy xử lý nước thải tập trung (Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất xử lý 141.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất xử lý 30.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1), (công suất xử lý 15.000m3/ngày) và 04 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư (phi tập trung) (gồm Trạm xử lý nước thải Tân Quy Đông, công suất 500 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh công suất 3.700 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 17,3 ha, công suất 3.000 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 38,4 ha phường Bình Khánh, Quận 2, công suất 150m3/ngày). Tỷ lệ nước thải được xử lý là 12,6%.

Hiện nay nhà máy Bình Hưng - Giai đoạn 2 (469.000m3/ngày) đã hoàn thành, hiện đang vận hành thử từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2023. Dự kiến tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý năm 2023 là 34%. Dự kiến đến năm 2025, khi hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000m3/ngày) (hiện nay đã thi công được 27,3%) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát phát huy công suất của nhà máy Tham Lương - Bến Cát (131.000m3/ngày), tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý là 40,2%.

Đối với tuyến Tân Hóa – Lò Gốm: Thành phố đang thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và 01 nhà máy xử lý nước thải chung cho 03 lưu vực gồm Tây Sài Gòn, Tân Hóa – Lò Gốm và Bình Tân và hiện nước thải sinh hoạt đã được thu gom bằng hệ thống cống dọc tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm (theo Công văn số 3378/SXD-HTKT ngày 12/4/2022 về cải thiện chất lượng nước kênh Tân Hóa – Lò Gốm).

Kiểm soát và giám sát việc thu gom, xử lý nước thải công nghiệp: Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tăng cường kiểm tra và giám sát các nhà máy và cơ sở công nghiệp để đảm bảo quy trình xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Yêu cầu các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án đầu tư, cơ sở với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường phải lắp đặt Trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định. (Thời hạn hoàn thành đến 31/12/2024, hiện nay đã có khoảng 100 trạm quan trắc nguồn thải đã kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường)

Tăng cường quản lý chất thải rắn: Thành phố đã tăng cường quản lý và thu gom chất thải rắn từ các khu dân cư, doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm kênh và rạch do chất thải rắn gây ra. Sở TN&MT cũng đã tổ chức giám sát trực tiếp chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trong đó, định kỳ và đột xuất kiểm tra các điểm tập kết rác thải, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, việc giải quyết các điểm ô nhiễm về rác thải, quản lý nhà vệ sinh và thùng rác công cộng của quận, huyện.

Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tiến hành thường xuyên các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục cộng đồng như Ngày hội sống xanh, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc giảm ô nhiễm kênh và rạch.

Cũng theo đại diện Sở tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp cùng với Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng thực hiện giám sát công tác triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (Chỉ thị 19) trên địa bàn các quận, huyện. Qua đó, góp phần tạo ra sự thay đổi trong hành vi và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong đời sống hàng ngày.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh: Tập trung cải tạo và xử lý ô nhiễm kênh, rạch
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.