Trong 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM

Nguyên Lâm|26/06/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 TP Hồ Chí Minh ghi nhận 5.108 ca xác định, trong đó có 214 ca bệnh nặng, 11 ca tử vong (5 ca của TPHCM), tất cả các trường hợp tử vong đều là người có bệnh nền.

dich-benh-1.jpg
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, về dịch bệnh Covid-19, tính từ ngày 1/1/2023 đến 20/6/2023, toàn TP có 5.108 ca xác định, trong đó có 214 ca bệnh nặng, 11 ca tử vong (5 ca của TPHCM), tất cả các trường hợp tử vong đều là người có bệnh nền. Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca bệnh giảm nhanh chóng. Trong tuần qua, mỗi ngày có khoảng 5-6 ca mắc mới.

Về bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 8.091 ca, thấp hơn 46.2% so cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn 33,7% so với số ca mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2018-2022; chưa ghi nhận ca tử vong tại TP.

Về bệnh tay chân miệng, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 2.933 ca, thấp hơn 53,2% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn 45,1% so với số ca mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2018-2022; chưa ghi nhận ca tử vong trên địa bàn TP. Mặc dù chưa ghi nhận ca tử vong tại TP nhưng số ca nặng cũng gia tăng và đã phát hiện Enterovirus 71 (EV71) trong các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng ở TPHCM và ở các tỉnh phía Nam. EV71 là tác nhân gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Dự kiến số ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới.

Tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác: Ổn định, không ghi nhận các ca bệnh xâm nhập.

Trong thời gian qua, TP đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh như: Sở Y tế tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP; duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.

Ngoài ra, TP duy trì thường xuyên các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các trạm y tế, trung tâm y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời kích hoạt lại Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh các hoạt động giám sát và phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, TP tiếp tục duy trì giải pháp giám sát điểm nguy cơ, xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân và tập thể không thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành Y tế. Từ giữa tháng 5 đến nay, TP đang thực hiện Chiến dịch Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết với nhiều hoạt động nhằm vận động sự tham gia của cộng đồng…

Cũng như hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, hoạt động phòng chống tay chân miệng được duy trì thường xuyên tại TP. Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Đối với hoạt động điều trị, TPHCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối nên ngoài việc thu dung điều trị cho bệnh nhân của TP còn tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh khác đến khám, điều trị và đặc biệt là tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng từ các bệnh viện tỉnh chuyển đến.

Về hoạt động phòng chống dịch bệnh trong 6 tháng cuối năm, TP tiếp tục duy trì các hoạt động củng cố hệ thống giám sát, phòng chống dịch và điều trị như đã và đang triển khai; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh ở cả chiều rộng và chiều sâu; duy trì nâng cao chất lượng hoạt động giám sát hỗ trợ của TP đối với quận huyện, phường xã....

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trong 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM