Chỉ trong một buổi sáng, tỉnh Kon Tum xảy ra tới 10 trận động đất với các cấp độ khác nhau và 1 trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Sáng 7/7, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa đã phát đi thông báo về 11 trận động đất liên tiếp xảy ra tại tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi.
Trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc 1h17, có độ lớn 3.1 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
10 trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum với độ lớn khác nhau. Cụ thể:
Lúc 9h31, trận động đất có độ lớn 3.9 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Lúc 9h32, trận động đất có độ lớn 4.0 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Lúc 9h37, trận động đất có độ lớn 3.5 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Lúc 9h48, trận động đất có độ lớn 4.2 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Lúc 10h10, trận động đất có độ lớn 2.9 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2km.
Lúc 10h13, trận động đất có độ lớn 2.7 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.6km.
Lúc 10h14, trận động đất có độ lớn 2.9 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Lúc 10h16, trận động đất có độ lớn 2.9 độ Richter có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.4km.
Lúc 11h09, 2 trận động đất có độ lớn lần lượt là 2.5 độ Richter và 2.9 độ Richter, có độ sâu chấn tiêu lần lượt là 8.1km và 10km.
Hiện các trận động đất này đang được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi.
Số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Theo đó, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn. UBND các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.