Y tế

Trong một năm ghi nhận hơn 1.000 ca nhập viện do thuốc lá

Thu Phương 04/10/2024 08:53

Chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng trong giới trẻ.

Hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, có 81 người sử dụng lần đầu và hơn 1.100 người từng dùng một thời gian.

2214312_z4261284362174_0290c689bcad63828ebbb3799f6022b6_16190718_a85d5.jpg
Nhiều ca nhập viện do dùng thuốc lá điện tử

Đây là con số rất đáng lo ngại, có trường hợp có dấu hiệu rối loạn nghiêm trọng. Tương tự như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng gặp nhiều ca bị tổn thương phổi cấp, một bệnh mới do thuốc lá điện tử.

Ông Khoa cũng khẳng định tất cả các loại thuốc lá đều có hại, thành phần chính là nicotine. Với thuốc lá điếu, chúng ta có kiểm soát được lượng nicotine vào cơ thể, còn thuốc lá mới thì không, mức độ gia tăng nghiện rất nhanh.

Các sản phẩm này cũng có mẫu mã phong phú, thu hút, hấp dẫn giới trẻ, đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử tăng nhanh chóng.

Cũng nói về nguy hại của thuốc lá mới, TS.Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm thuốc lá đang gây ra số tử vong rất lớn, gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, chiếm 14% số tử vong trên thế giới.

Một điểm rất quan trọng là số tử vong này hoàn toàn có thể tránh được, 8 triệu ca tử vong này lẽ ra không xảy ra nếu chúng loại trừ được sản phẩm thuốc lá. Con số này cực kỳ lớn.

Thuốc lá cũng liên quan đến 11 loại ung thư khác nhau, trong đó chủ yếu là ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng đầu ở nam giới. Hút thuốc lá thụ động cũng rất nguy hiểm, gây ra tới 11 triệu ca tử vong, phụ nữ chiếm đa số, trẻ em cũng là nạn nhân.

Các quốc gia thông gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận tư cách đối tác hay những thỏa thuận không ràng buộc hay không ràng buộc thi hành, cũng như bất kỳ dàn xếp tự nguyện nào với ngành thuốc lá hay bất kỳ tổ chức cá nhân nào làm việc vì quyền lợi của ngành công nghiệp thuốc lá.

Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo.

Ths.Phan Công Hiếu cho biết thêm, để triển khai Điều 5.3 FCTC, Bộ Y tế đã xây dựng báo cáo trình Chính phủ về quan điểm tiếp cận giảm tác hại đối với thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá nung nóng; báo cáo trình Chính phủ về quan điểm không tiếp và làm việc với Tập đoàn Philip Morris để trao đổi về quản lý thuốc lá nung nóng.

Đồng thời báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

14% học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử

Kết quả 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.

hoc-sinh-hut-thuoc-la-dien-tu-a1-ch-1667958205870756672691-0-0-665-1064-crop-16679582153141671145400.jpg
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng trong giới trẻ

Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) Bungon Ritthiphakdee nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách “lách” các quy định quản lý bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt đối với thuốc lá truyền thống.

Thực tế, cộng đồng y tế toàn cầu đã ghi nhận một số trường hợp tổn thương phổi do thuốc lá điện tử. Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới được cho là có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với não bộ đang phát triển của trẻ vị thành niên.

GS.Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng cho rằng, đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. GS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC đã chia sẻ những phát hiện đáng lo ngại từ thông tin nhóm nghiên cứu của ông thu thập được.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe.

Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, theo đại diện Bộ Y tế, phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn.

Các chuyên gia cho rằng, với sự nhanh nhạy của các công ty thuốc lá, nếu nước ta không có các giải pháp sớm và mạnh mẽ sẽ khiến cho tỷ lệ hút thuốc lá mới có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và giống nòi của Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trong một năm ghi nhận hơn 1.000 ca nhập viện do thuốc lá