Trung Quốc xả đập thủy điện trên sông Mekong: Nước khó tới được ĐBSCL

Lê An (t/h)|25/02/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình hạn hán khốc liệt ở các nước vùng hạ du sông Mê Kông, phía Trung Quốc đã tuyên bố xả đập thủy điện để hỗ trợ các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, theo chuyên gia về biến đổi khí hậu, việc Trung Quốc xả đập với lưu lượng 850 m3/giây là quá ít, nước chỉ giải hạn cho thượng nguồn Mekong.

Liên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố cam kết sẽ xả tăng đập trên thượng nguồn sông Mekong để giúp các quốc gia láng giềng giảm hạn hán.

Với hàng chục năm nghiên cứu sự biến đổi dòng Mekong, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc xả đập là đến kỳ hạn của Trung Quốc, không thể trữ nước hơn được trước tình trạng băng tan nhiều. Đồng thời, dòng Mekong từ quốc gia này xuống Thái Lan, Lào đang cạn kiệt do thiếu mưa, nên phải xả đập để đảm bảo cho tàu bè lưu thông, giao thương hàng hóa.

Theo ông Tuấn, năm 2016 Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây nước còn không tới được Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi lần này mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước.

Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay.

Theo chuyên gia này, với tình trạng hiện nay, phải xả đập với lưu lượng ít nhất là 2.500 m3/giây thì nước mới tới được Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cũng phải mất 3-4 tuần. Khi đó, diện tích lúa đang khô hạn đã chết hết. Về lâu dài, nên tập trung các giải pháp tích trữ nước ngọt; hạn chế sản xuất lúa, nhất là vùng ven biển.

Trước đó, tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5 mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo về việc xả đập thủy điện như nêu trên để giúp các nước lưu vực sông Mekong đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt.

Sông Mekong dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc dài 2.130 km được gọi là sông Lan Thương. Nước này đã xây dựng khoảng 20 đập thủy điện trên dòng Lan Thương.

Dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long trong cuối tháng 2 và tháng 3 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 đến 20%. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho miền Tây không nhiều. Tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn gay gắt hơn.

Lê An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc xả đập thủy điện trên sông Mekong: Nước khó tới được ĐBSCL