Bảo vệ môi trường

TS. Hoàng Dương Tùng: Nâng công suất Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với môi trường không khí

Thanh Thảo 17/09/2024 08:00

Trong lúc Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức xử lý lượng rác thải khổng lồ, đề xuất mở rộng Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhằm tăng cường khả năng xử lý rác thải cho Thủ đô đã đem lại rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, đi cùng với những tiềm năng là những lo lắng về công nghệ, kiểm soát phát thải và tác động môi trường dài hạn. Liệu đây thực sự là hướng đi bền vững cho tương lai hay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác?

Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, trước khi quyết định mở rộng hay nâng công suất nhà máy xử lý rác, việc quan trọng đầu tiên là phải thắt chặt, nâng cao năng lực kiểm soát của nhà máy, đặc biệt là kiểm soát phát thải của các lò đốt. Bởi Nhà máy điện rác Sóc Sơn là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và thứ hai thế giới (chỉ sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc), việc xử lý tập trung một nguồn thải lớn không phải là vấn đề đơn giản, vậy nên chúng ta cần phải tính toán thật kỹ lưỡng.

uuuuu.png

PV: Thưa TS. Hoàng Dương Tùng! Ông đánh giá như thế nào về vai trò và hoạt động của Nhà máy điện rác Sóc Sơn thời gian qua?

TS. Hoàng Dương Tùng: Nhà máy điện rác Sóc Sơn là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam, tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác thải mỗi ngày. Hiện nhà máy đang vận hành 5 lò đốt với công suất 800 tấn/lò/ngày, tương đương xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, tức là đã giải quyết được hơn 1 nửa tấn rác ở Hà Nội mỗi ngày. Tôi đánh giá về cơ bản, nhà máy đã góp phần giải quyết tốt vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt cho Thủ đô.

Như chúng ta đã biết, từ xưa đến nay, Hà Nội luôn thiếu các bãi chôn lấp rác. Bãi Nam Sơn - bãi rác lớn nhất Thủ đô luôn trong tình trạng quá tải và dần không còn khả năng tiếp nhận rác nữa. Có thể thấy, ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải của Thủ đô. Bên cạnh đó, kể từ khi Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động, chúng ta đã không còn thấy quá nhiều cảnh những bãi rác bị quá tải không thể xử lý được nữa.

Vì vậy, theo tôi, việc Hà Nội phát triển nhà máy điện rác là rất hợp tình hợp lý và đúng thời điểm.

51-1711581721-tin-chi-carbon.jpg
TS. Hoàng Dương Tùng đánh giá việc Hà Nội phát triển nhà máy điện rác là rất hợp tình hợp lý và đúng thời điểm

PV: Vậy thưa ông, hiện TP. Hà Nội đang xem xét đề xuất mở rộng Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhằm tăng cường khả năng xử lý rác thải cho Thủ đô, ông đánh giá sao về đề xuất này?

TS. Hoàng Dương Tùng: Theo tôi, Hà Nội nên cân nhắc kỹ việc cho phép mở rộng công suất xử lý của nhà máy điện rác Sóc Sơn, phải tính toán thật kỹ vì mục tiêu, mục đích môi trường của Hà Nội.

c1-2-.png

Ngoài nâng tổng số lò đốt lên 7 lò, với rác thải đã chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, nhà máy còn đề xuất giải pháp đào và xử lý thêm 6.000 tấn mỗi ngày, trong đó có thể xử lý được 1.700 tấn tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Tôi thấy mặc dù việc xử lý bãi rác Nam Sơn là việc làm cần thiết nhưng trên thế giới hiện nay cũng có rất nhiều cách xử lý, không nhất thiết là phải đốt.

Chúng ta có thể học tập theo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, ví dụ như Hàn Quốc trong việc xử lý rác thải. Cách thức xử lý rác của họ vừa giải quyết được rác thải, vừa bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái. Tóm lại, đề xuất này cần phải được xem xét về nhiều mặt, trên nhiều khía cạnh.

dji0091-1658814374833379820068.jpg
Hà Nội đang xem xét đề xuất mở rộng Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhằm tăng cường khả năng xử lý rác thải cho Thủ đô

PV: Là một trong những chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Việt Nam, theo ông, việc mở rộng, nâng công suất xử lý rác thải của Nhà máy điện rác có thể gây ra những tác động gì đến môi trường, đặc biệt là môi trường không khí?

TS. Hoàng Dương Tùng: Như tôi đã nói ở trên, sẽ có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra nếu tập trung xử lý rác thải vào một nhà máy có công suất lớn như vậy. Nhà máy điện rác, mặc dù cung cấp một giải pháp quản lý rác thải và sản xuất năng lượng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với môi trường không khí. Các rủi ro chính liên quan đến việc phát thải khí độc hại, bụi mịn và khí nhà kính.

Đặc biệt, quá trình đốt cháy rác thải có thể tạo ra các chất độc hại như dioxin và furan, là những hợp chất rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường. Những chất này có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và nội tiết. Do đó, việc kiểm soát nhiệt độ lò đốt và công nghệ xử lý khí thải đóng vai trò rất quan trọng.

dot-rac.jpg
Quá trình đốt cháy rác thải có thể tạo ra các chất độc hại như dioxin và furan, là những hợp chất rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường

PV: Vậy nghĩa là, việc mở rộng hay nâng công suất xử lý của Nhà máy điện rác Sóc Sơn có thể tạo ra những rủi ro gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư sống gần khu vực nhà máy, thưa ông?

TS. Hoàng Dương Tùng: Mặc dù hiện nay, nhà máy cũng đã có những kế hoạch hay biện pháp phòng ngừa vấn đề này nhưng tôi nghĩ vẫn có thể có những rủi ro. Bởi lẽ, rõ ràng càng mở rộng, càng mở lớn thì những rủi ro càng lớn, càng cao. Nếu có chuyện gì đó xảy ra thì rõ ràng nguy cơ tác động đến sức khỏe người dân Thủ đô Hà Nội là rất lớn, cực lớn.

Bên cạnh đó, năng lực xử lý của chúng ta cũng vẫn còn yếu, các biện pháp kiểm soát cũng vẫn còn thiếu nhiều quy định đối với việc đốt chất thải. Vì vậy, những điều tôi lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.

2chuan.png

PV: Chuyên gia đánh giá như thế nào về tính bền vững của nhà máy điện rác khi công suất tăng lên? Liệu đây có phải là một giải pháp lâu dài cho vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam không?

TS. Hoàng Dương Tùng: Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã không còn đất để chôn rác nữa rồi, vậy bài toán đặt ra là chúng ta phải đi tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề xử lý rác.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng đã quy định việc chúng ta nên hạn chế dần việc chôn rác và chuyển sang các công nghệ xử lý khác. Và một trong những biện pháp mà tôi cho rằng là lâu dài và triệt để nhất chính là phân loại rác tại nguồn. Bởi nếu phân loại rác tại nguồn tốt thì chúng ta có thể tận dụng được nhiều rác để tái chế hay biến chúng thành phân vi sinh, như vậy lượng rác vừa có thể giảm xuống còn mang lại nhiều công dụng khác. Ngoài ra, chúng ta cũng còn nhiều hình thức xử lý khác nữa.

c1.png

PV: Vậy có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng về chính sách hỗ trợ phát triển các Nhà máy điện rác một cách bền vững và an toàn?

TS. Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, có rất nhiều địa phương trên cả nước ưa thích loại hình xử lý rác thải này. Tuy nhiên, nếu lựa chọn loại hình này thì cũng cần phải chuẩn bị nhiều thủ tục, như việc đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép môi trường rồi kiểm soát phát thải…

nha-mayyy.png
Hiện nay, có rất nhiều địa phương trên cả nước ưa thích loại hình xử lý đốt rác phát điện

Ngoài ra, khi nhìn nhận lại, nói một cách vĩ mô nhất thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải làm tốt công tác quản trị thể chế.

Cụ thể hơn là cần phải thắt chặt hơn nữa những quy chuẩn hiện hành và ban hành thêm nhiều quy chuẩn nữa về vấn đề kiểm soát phát thải của nhà máy. Chúng ta cần phải điều chỉnh các quy định về giấy phép khí thải, càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như công ty phải trình bày kỹ việc kiểm soát nhiệt độ như thế nào, thời điểm đốt nào khi nào, trong trường hợp nào phải có lò đốt phụ, kể cả việc nhóm lò, tắt lò như thế nào… Đó điều là những yếu tố đặc thù đối với mỗi nhà máy đốt rác.

Cùng với đó cũng cần ban hành những hướng dẫn dành cho những nhà máy điện rác bởi có nhiều nhà máy do các tỉnh phê duyệt nhưng năng lực của các chuyên gia còn hạn chế, chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, nếu có những quy định cụ thể, các nhà đầu tư, nhà vận hành, nhà quản lý sẽ biết được cần phải làm gì. Trong khi rõ ràng hiện nay, các quy định còn rất chung chung.

Việc thường xuyên kiểm tra, xử lý các số liệu để vận hành cho chuẩn, điều chỉnh kịp thời cũng vô cùng quan trọng.

Cuối cùng là cần nâng cao năng lực cho các nhà quản lý ở địa phương, vì nếu không hướng dẫn kĩ sẽ dẫn đến sự lúng túng trong quá trình triển khai.

Tôi cho rằng, đó là những giải pháp cần thiết và cấp bách trong lúc này, cần phải thực hiện thật cương quyết, khẩn trương những việc đó.

PV: Về xu hướng mở rộng và phát triển các Nhà máy điện rác tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi nghĩ điện rác không phải là một cơ hội. Nó chỉ được xem là một giải pháp thôi, còn trên thực tế, chuyện nhà máy đốt rác phát điện cũng đã phát triển ở rất nhiều nơi rồi. Nhiều người cứ cho rằng điện rác là cơ hội, là nơi để kiếm tiền ngay lập tức trong khi quá trình triển khai thực hiện có rất nhiều vấn đề phát sinh cần phải xử lý, rõ rệt nhất là việc nhiều nhà máy điện rác hiện nay đang thiếu rác để đốt. Và khi thiếu rác người ta lại bắt đầu xin rác cũ để đốt.

c3.png

Bên cạnh đó, việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện ở Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, như tôi đã đề cập, cái chính là do năng lực kiểm soát phát thải đối với nhà máy đốt rác phát điện của chúng ta chưa được tốt, việc quản lý về mặt môi trường vẫn còn lỏng lẻo. Vì vậy, theo tôi, trước khi tính toán cái gì thì chúng ta phải thắt chặt, nâng cao năng lực kiểm soát để xem có gì cần phải được cải tiến, nâng cấp. Chúng ta cần thường xuyên xử lý những số liệu, phải hiểu rõ được nó trước rồi mới có thể kiểm soát được nó, cần phải lường trước mọi sự cố có thể xảy ra, như vậy thì mới có thể bảo đảm và phát triển được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn TS. Hoàng Dương Tùng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TS. Hoàng Dương Tùng: Nâng công suất Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với môi trường không khí