MOITRUONG.NET.VN – Dự án “Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp” giai đoạn II (FORMIS II) do Chính phủ Phần Lan hỗ trợ với nguồn vốn 9.7 triệu EUR, được triển khai từ năm 2013 – 2018 bắt đầu ứng dụng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, đem lại hiệu quả cao.
>>>Trên 300 người chết và mất tích do thiên tai mỗi năm tại Việt Nam
>>>Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Xưởng sản xuất bim bim “siêu bẩn” xả khí thải bức tử người dân
Các chuyên gia kiểm tra thực địa và đánh giá trồng rừng theo FSC. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Dự án FORMIS II đã mang lại cho ngành lâm nghiệp Việt Nam một cuộc cách mạng về quản lý tài nguyên rừng khi lần đầu tiên các dữ liệu về tài nguyên rừng được số hóa. Sự hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua đang tạo nên những bước tiến riêng cho ngành lâm nghiệp 2 nước trong tương lai.
Đây cũng là lần đầu ở Việt Nam có số liệu tài nguyên rừng được số hóa và số liệu diễn biến rừng được cập nhật với độ chính xác cao, đáng tin cậy. Quản lý và bảo vệ rừng luôn là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia, bởi rừng có tác dụng to lớn đến đời sống, môi trường cũng như kinh tế, xã hội của mỗi nước. Nước ta có hơn 14 triệu ha rừng và 60/63 tỉnh thành có diện tích rừng, vì thế, có một hệ thống thông tin hiện đại, chính thống và cập nhật thường xuyên về tài nguyên rừng, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Nguyễn Bình Minh, Phó Giám đốc dự án FORMIS cho biết, tháng 5/2013, Bộ NN-PTNT thông qua Tổng cục Lâm nghiệp triển khai dự án “Phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp” giai đoạn II. Trong giai đoạn 2 của dự án, cụ thể là 5 năm trở lại đây, Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ khoảng 9.7 triệu Euro để hỗ trợ thực hiện dự án FORMIS II. Nguồn tài trợ này được sử dụng để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, máy móc trang thiết bị CNTT phục vụ cho ngành lâm nghiệp.
Dự án FORMIS II đã giúp ngành lâm nghiệp xây dựng khung thông tin quản lý với những thông tin chính thống, thường xuyên được cập nhật, với công nghệ hiện đại. Chương trình theo dõi diễn biến tài nguyên rừng sẽ thay đổi hoàn toàn về cách làm, cách quản lý. Từ thời điểm này sẽ điện tử hóa các dữ liệu về tài nguyên rừng, đất rừng… Bây giờ kiểm kê rừng chỉ cần một máy định vị, khoanh vùng là xác định được diện tích, áp lên bản đồ, cập nhật vào phần mềm là truy cập được hiện trạng rừng, kể cả những thay đổi qua từng mốc thời gian. Bất cứ ở đâu có mạng intenet là có thể truy cập và có thể kết xuất ra được những báo cáo theo yêu cầu.
Khai thác gỗ rừng trồng
Hiện nay công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng, các diễn biến rừng đã được cập nhật và tích hợp vào phần mềm kịp thời với những số liệu mới nhất, nhanh nhất, độ chính xác cao và đồng bộ trên hệ thống. Việc cập nhật này rất thuận lợi cho công tác quản lý rừng, phòng chống cháy rừng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong thời gian qua, dự án đã xây dựng được một số phần mềm ứng dụng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến phần mềm cập nhật diễn biến rừng, hệ thống chia sẻ dữ liệu ngành lâm nghiệp, hệ thống thông tin quản lý ngành chế biến lâm sản. Với hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp hiện đại, những thông tin về diễn biến rừng được số hóa, chính xác, minh bạch, sẽ đem lại những hiệu quả to lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống còn giảm chi phí trong việc lập kế hoạch đầu tư trong ngành lâm nghiệp. Ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản có thể truy cập dữ liệu tài nguyên rừng thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu, phân tích cung cầu gỗ nguyên liệu để có chiến lược thu mua, tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực ngành.
Đến thời điểm này, FORMIS II đã chuyển giao tới tất cả cơ quan quản lý lâm nghiệp trên toàn quốc tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng kiểm lâm từ cấp trung ương đến cấp địa phương trên phạm vi 550 huyện có rừng tại 60 tỉnh có rừng. Và với tiềm năng to lớn về tài nguyên rừng và đất rừng, với hệ thống thông tin minh bạch, hiện đại, thích ứng với yêu cầu hội nhập của thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục chờ đón những cơ hội mới.
Phi Hồng (t/h)