Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất

Phong Anh|11/10/2024 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

8 chỉ tiêu sử dụng đất được điều chỉnh gồm: nhóm đất nông nghiệp trong đó có đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và nhóm đất phi nông nghiệp trong đó có các loại đất quốc phòng, đất an ninh.

Chiều 10/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

11-qh.jpg
Quang cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu gồm: Điều chỉnh 08 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); Không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Việc tính toán, xác định 08 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Chính phủ đề xuất nội dung Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau: "Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025" và đưa thành một nội dung tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong 07 căn cứ quy định tại Điều 53 của Luật Quy hoạch. Trong khi đó, Tờ trình và Báo cáo rà soát Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chưa phân tích làm rõ việc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là dựa vào căn cứ nào trong 07 căn cứ tại Điều 53 của Luật Quy hoạch. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung nội dung đánh giá về tính cấp thiết cần điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm đáp ứng căn cứ điều chỉnh quy hoạch quy định tại Điều 53 của Luật Quy hoạch.

Báo cáo kết quả rà soát Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là cơ sở quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 (Nghị quyết số 39). Tuy nhiên, các số liệu trong hồ sơ trình kèm theo mới được rà soát, cập nhật đến ngày 31/12/2023 là chưa toàn diện. Theo đó, nhiều chỉ tiêu được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 39 đạt kết quả thấp , có chỉ tiêu còn chưa thực hiện , còn có sự chưa hợp lý trong việc phân bổ chỉ tiêu và khả năng thực hiện của các địa phương.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, vừa qua việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế và xã hội như diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới, sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh… đây là những nguyên nhân khách quan tác động đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 39, bên cạnh đó vẫn có một số nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Do đó, đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ hơn nữa nguyên nhân, đề xuất giải pháp để cải thiện hiệu quả thực hiện Quy hoạch này.

11-qh1.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho ý kiến tại phiên họp

Tại phiên họp, đa số các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc Chính phủ đề xuất sửa đổi 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, 7 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách cho thấy quyết tâm lớn trong hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách vĩ mô để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là vấn đề lớn, tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, toàn bộ nền kinh tế, do đó cần có tính toán thận trọng để chỉ điều chỉnh những gì thực sự cần thiết, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến sự ổn định của chính sách hỗ trợ đầu tư kinh doanh.

Tham gia ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo Nghị quyết số 39/2021/NQ-QH15 về Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cân nhắc thêm một số nội dung nhằm đánh giá toàn diện, khách quan hơn về nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu đạt kết quả thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, đào tạo.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần chú trọng vào các vấn đề mà các cơ quan cũng như đại biểu Quốc hội từng đề cập trong các phiên họp gần đây, đã được cử tri chỉ ra, trong đó, cần lý giải nguyên nhân của tình trạng các doanh nghiệp tập trung vào đầu tư vào đất để bán, chậm đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ xã hội, y tế hoặc thể dục thể thao; hoặc tình trạng quy hoạch đô thị bố trí đất cho cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế ở các vị trí khó, gây vướng mắc cho việc triển khai xây dựng.

11-qh3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về quy hoạch. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ hóa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng và quy hoạch kinh tế - xã hội ở cấp địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo chung của Trung ương, các chính sách, pháp luật về quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đây là những nội dung hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa cho cả nước và các địa phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần làm rõ tác động của những thay đổi trong quy định pháp luật đối với việc thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất trong thời gian qua. Theo đó, cần phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia và đánh giá kỹ lưỡng những tác động của việc điều chỉnh này. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật, đồng thời cần có cơ chế đánh giá, điều chỉnh phù hợp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo đề xuất của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ, tờ trình đảm bảo tính thuyết phục cao. Nếu Quốc hội chấp nhận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không ban hành nghị quyết riêng, mà thiết kế thành một mục trong Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến đã thảo luận, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, dự thảo nội dung bổ sung vào Nghị quyết Kỳ họp để gửi Quốc hội, cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra, chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bài liên quan
  • Đi đến cùng trong xác định hành vi vi phạm để bảo vệ lợi ích cho người sử dụng đất
    Cho ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị định phải bám sát nguyên tắc, quy phạm được quy định bởi pháp luật đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Với các hành vi vi phạm có yếu tố lịch sử cần tuân theo pháp luật về đất đai, xử lý vi phạm hành chính, theo hướng "không chỉ xử lý mà phải khắc phục" bảo vệ lợi ích cho người sử dụng đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất