VATAP kỷ niệm 13 năm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11

An Nhiên|27/11/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đây là hoạt động thường niên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 6512/VPCP-VI ngày 12/11/2007, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Sáng nay – 27/11/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) và các cơ quan liên quan đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 13 năm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007-29/11/2020).

Đến tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ; bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ); Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó trưởng phòng Chống hàng giả, hàng nhái & Xâm phạm Sở hữu trí tuệ (Cục C03, Bộ Công an); ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Tại lễ kỷ niệm, Vatap đã tổng kết công tác chống hàng giả, hàng nhái cùng với đó là các bài phát biểu, tham luận của cơ quan thực thi, doanh nghiệp… Qua đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp… nhằm thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian sắp tới.

Ông Lê Thế Bảo, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết về thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam

Theo ông Lê Thế Bảo, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết về thực trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất… Đây là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.

Ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng với một quá trình bền bỉ, cả hệ thống chính trị và sự nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục đầu tư công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… để từng nước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Tại Lễ kỷ niệm này, Hiệp hội cũng kiến nghị đến các cơ quan chức năng về những ý kiến của các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống hàng giả và hàng nhái.

Theo đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do, do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan Hải quan đã kiểm tra 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Đặc biệt, cuối năm 2019 đã phát hiện một công ty cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.

Đại diện cơ quan Hải quan cho biết, đây là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra làm rõ về tội “Giả mạo trong công tác” theo Bộ luật hình sự. Trong thời gian tới, để công tác kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa XNK, cơ quan Hải quan đề nghị:

Một là: Bộ Tài chính (cơ quan Hải quan) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội ngành hàng… để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng; phối hợp với các Hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN XNK.

Ba là: Phối hợp tốt trong hoạt động hợp tác Quốc tế, chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực Châu Á Thái Bình Dương để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng tại lễ kỷ niệm 13 năm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã trao giấy chứng nhận kết nạp cho 6 hội viên có nguyện vọng trở thành Hội viên của Hiệp hội.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
VATAP kỷ niệm 13 năm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.