Vì sao chất lượng không khí tại các đô thị lớn ngày càng suy giảm?

Minh Châu (T/h)|25/09/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian gần đây, chất lượng không khí ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội luôn nằm trong mức “kém,” thậm chí ngưỡng “nguy hiểm”.

Hà Nội: Bụi bẩn và thời tiết ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí

Ông Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – cho biết nồng độ bụi trong không khí tại Hà Nội liên tiếp ở ngưỡng cao trong các ngày 15 và 16-9, trong đó đáng lưu ý tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí xuất hiện ở nhiều khu vực.

Cụ thể, bản chất của tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội do đường phố nhiều bụi bẩn, lại vào đầu mùa đông, hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra khiến bụi bẩn bị nén ở tầng không khí thấp làm nhiều người cảm nhận rõ sự khó thở, ngột ngạt.

“Khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, vì vậy các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề. Trong những ngày 15 và 16-9, trời lặng gió, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, không khí ở Hà Nội rất ô nhiễm, đặc biệt là bụi” – ông Tùng nêu ví dụ.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TN-MT Hà Nội cũng thừa nhận qua dữ liệu quan trắc được cho thấy chất lượng không khí những ngày gần đây trên toàn thành phố chủ yếu duy trì ở ngưỡng “kém”, được thể hiện bằng màu da cam.

Theo lý giải của chi cục, tình trạng ô nhiễm bụi tại Hà Nội thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và thời điểm chuyển mùa. “Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật” – lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội giải thích.

Tuy nhiên, chi cục cũng thừa nhận thực tế có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí ở Hà Nội, đó là tình trạng phát thải cục bộ từ hoạt động giao thông đô thị, bụi bẩn từ hoạt động xây dựng và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ nơi khác đến.

Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm nghiêm trọng do khói bụi phương tiện giao thông và công trình xây dựng (ảnh chụp chiều 23-9 trên đường Phạm Văn Đồng) – Ảnh: Nam Trần

TP.HCM: Cần thêm số liệu quan trắc

Ông Hồ Quốc Bằng – giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM – lập luận bình thường vào các dịp cuối tuần trước đây, dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy. Hơn nữa, vào dịp cuối tuần, việc phát thải là không cao vì giao thông và công nghiệp hoạt động thấp hơn ngày thường.

Ông Bằng cho biết đã mô phỏng, chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Theo đó, ngày 18-9 có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia, theo hướng gió và tốc độ gió sau 2-3 ngày thì các chất ô nhiễm này bay tới TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, ô nhiễm không khí ngày thứ sáu 20-9 tại TP.HCM tăng cao đột biến.

Đồng thời, ông Bằng cho biết đã làm mô hình chạy ngược lại cũng cho thấy ô nhiễm không khí tại TP.HCM ngày 22-9 xuất phát từ cháy rừng ở Indonesia. Tất cả thông tin này được ông Bằng đăng công khai trên Facebook cá nhân của ông.

Trong khi đó, đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng đơn vị này chưa có đủ dữ liệu chứng minh sương mù ở TP.HCM có liên quan đến tình trạng cháy rừng ở Indonesia. Bởi một số trạm quan trắc khu vực đảo Tây Nam không ghi nhận được hiện tượng mù khô (thành phần trong đó có khói bụi – PV).

Theo ông Lê Đình Quyết – phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày qua do Nam Bộ mưa nhiều, độ ẩm trong không khí tăng cao tạo ra lớp sương mù. Cùng với đó là hoạt động giao thông tạo ra khói bụi bám vào làm lớp sương mù này dày đặc hơn. Đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định dạng sương mù này chứa nhiều chất gây ô nhiễm.

“Nhưng chứa chất ô nhiễm gì, mức độ như thế nào thì cần thêm số liệu quan trắc từ các cơ quan chức năng” – vị đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết.

Minh Châu (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao chất lượng không khí tại các đô thị lớn ngày càng suy giảm?