Việt Nam: Cách mạng CN 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế

Minh Anh (T/h)|25/11/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu.

Một trong những nỗ lực có định hướng của Bộ KH&CN trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, nghị quyết Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, nhìn thẳng vào thực tiễn và khó khăn, vướng mắc thì thấy rằng phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện.

Ảnh minh họa

Việc tiếp cận với công nghiệp thông minh ở nước ta còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng cũng nhận định, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, cần phải có sự đổi mới sáng tạo để tạo đột phá.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy ứng dụng kết hợp với sự phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội”.

Để đạt được mục tiêu đó, vai trò và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cần được nghiên cứu thấu đáo để nhận dạng rõ những cơ hội và thách thức to lớn của cuộc cách mạng này ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau, qua đó đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm vượt qua các thách thức cũng như tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam: Cách mạng CN 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế