Ô nhiễm tiếng ồn hay còn gọi là ô nhiễm âm thanh tiếng anh là noise pollution hoặc noise disturbance. Ô nhiễm tiếng ồn là một loại ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm tiếng ồn được hiểu là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng quy định. Điều này khiến con người và động vật bị khó chịu.
Trong một nghiên cứu cho thấy rằng tiếng ồn do con người tạo ra ảnh hưởng đến các loài lưỡng cư, động vật chân khớp, động vật có vú, động vật thân mềm, bò sát, chim, cá… Tiếng ồn do con người tạo ra tràn ngập trong môi trường, nó có thể đến từ xe cộ, máy bay và các khu công nghiệp ở trung tâm đô thị đông đúc, tàu biển…
Ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh minh họa
Hai nhà khoa học Hansjoerg Kunc và Rouven Schmidt xem xét một loạt các nghiên cứu riêng lẻ trong bài phân tích tổng hợp và cho rằng vấn đề này nên được xem là “phần lớn các loài động vật đều bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn thay vì chỉ có một số loài đặc biệt mới nhạy cảm với tiếng ồn”.
Chẳng hạn, tiếng ồn do con người tạo ra đã gây cản trở việc những con dơi bắt sóng siêu âm để tìm con mồi, đồng thời khiến động vật có vú gặp khó khăn trong việc bắt mồi.
“Trong ví dụ về loài dơi kể trên, chúng có thể ‘đau khổ’ vì không thể xác định được vị trí con mồi do tiếng ồn của con người tạo ra. Tuy nhiên, những con mồi sẽ dựa vào âm thanh để phát hiện ra kẻ săn mồi. Nếu giảm ô nhiễm tiếng ồn, con mồi sẽ bị tóm gọn vì chúng không nghe thấy âm thanh để kịp thời trốn thoát”.
Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn tại đại dương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các loài như cá héo, cá voi… Bởi lẽ các loài này đều sử dụng sóng âm để tìm kiếm thức ăn và tìm kiếm đồng loại. Tuy nhiên, âm thanh chúng phát ra lại bị lấn át bởi các tiếng động từ tàu biển, sóng siêu âm từ tàu quân đội… Điều này khiến chúng bị mất phương hướng, không thể tìm được bạn tình, thậm chí là có các hành vi khác thường.
Theo báo cáo của Quỹ quốc tế về bảo vệ động vật, khoảng cách mà cá voi xanh giao tiếp được với nhau đã bị giảm tới 90% do sự ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng trong 40 năm qua.
Ô nhiễm tiếng ồn do con người tạo ra và phản ứng của động vật đối với nó phải được đặt trong cùng bối cảnh của một hệ sinh thái, đặc biệt là khi xem xét các nỗ lực bảo tồn động vật, các tác giả của nghiên cứu lưu ý.
“Ô nhiễm tiếng ồn được coi là nghiêm trọng nếu nó tác động tới sự thay đổi của môi trường và ảnh hướng đến các loài động vật sống dưới nước và trên cạn”, các nhà khoa học cho biết thêm. “Các phân tích của chúng tôi cung cấp bằng chứng định lượng cần thiết cho cơ quan lập pháp để họ có biện pháp điều chỉnh phù hợp đối với những tác nhân gây hại tới môi trường”.
Minh Anh (T/h)