Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Mai Hạ|17/07/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát biểu tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (HLPF), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một quốc gia nào bị tụt hậu trong tiến trình này.

17-bt-ng-chi-dung.png
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc

Từ ngày 13-17/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự HLPF đã có chuyến đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Ngày 14/7, trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 của Việt Nam tại HLPF, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 với trọng tâm là 17 SDGs. Trong đó VNR được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày VNR vào năm 2018 và năm 2023. Sau đúng 5 năm, tại HLPF 2023, đây là lần thứ hai Việt Nam trình bày VNR thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng VNR lần thứ hai của Việt Nam được tiến hành qua 10 bước với nhiều hình thức nhằm huy động sự tham gia ngay từ đầu của tất cả các bên liên quan, bảo đảm thể hiện được vai trò và tiếng nói của tất cả các bên.

Mục tiêu của VNR lần thứ hai nhằm chia sẻ về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; những thay đổi và tiến bộ quan trọng so với VNR lần thứ nhất; những khó khăn, thách thức đặt ra và định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy việc thực hiện SDGs trong thời gian tới.

17-dien-dan.jpg
Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2023

Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, toàn bộ hệ thống chính trị và cả xã hội đã nỗ lực để thực hiện SDGs với phương châm cốt lõi "không ai bị bỏ lại phía sau" và đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện SDGs, đặc biệt là SDG 1, SDG 6, SDG 9, SDG 10, SDG 16 và SDG 17", ông Dũng nhấn mạnh.

Để thực hiện thành công các mục tiêu SDGs trong nửa chặng đường còn lại, 6 giải pháp mang tính xuyên suốt được Việt Nam đưa ra đó là: (1) Lấy người dân là trung tâm của mọi quyết định, chính sách, hành động; (2) Xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy quyết định thành công trong thực hiện các mục tiêu SDGs; (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (4) Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; (5) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs; (6) Tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs.

Phiên trình bày của Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Các đại biểu tham dự hoan nghênh và đánh giá cao về sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức trình bày VNR lần thứ hai của Việt Nam và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng, vai trò của các tổ chức xã hội, thay đổi về chính sách, dữ liệu sử dụng cho VNR,...

Trưởng Đoàn công tác đã trả lời các câu hỏi và khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một quốc gia nào bị tụt hậu trong tiến trình này.

Trong thời gian tham dự HLPF tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có các buổi làm việc với cơ quan Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ về: (i) Thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo và công nghệ; (ii) nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và thu hút nguồn lực về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; (iii) xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.

Theo đó, Bộ trưởng đã có các buổi làm việc với Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS); Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE); Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's; Tập đoàn Dịch vụ tài chính tình nguyện (FSVC); Tập đoàn SpaceX (công nghệ vũ trụ); Tập đoàn Medtronic (Công nghệ cao về y tế); Trung tâm Brooklyn Navy Yard (Trung tâm Đổi mới sáng tạo và sản xuất hiện đại); Quỹ đầu tư KKR.

Ngoài ra, Bộ trưởng và ông Patrick Santillo, Phó Chủ tịch/CEO Hội đồng Doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ quốc tế (BCIU) đã chủ trì Tọa đàm bàn tròn về định hướng và cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn gồm: AES, Citigroup, Davidson Kempner Capital Management, Mitsubishi Corporation Americas, TIAA, S&P Global.

Cũng trông khuôn khổ chuyến công tác, ông Nguyễn Chí Dũng đã có buổi gặp và làm việc với Giáo sư Joseph Stiglitz (Giải Nobel Kinh tế 2001); Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tại tất cả các cuộc tiếp xúc, làm việc, tọa đàm doanh nghiệp, Trưởng đoàn công tác đều khẳng định quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở thời kỳ rất tốt đẹp. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Với mong muốn trong thời gian tới Việt Nam sẽ thu hút được các dự án có chất lượng và giá trị gia tăng cao, liên kết, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất có hiệu quả và thành công tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững