Những năm qua công tác bảo tồn, phát triển bền vững Đa dạng sinh học nói chung, Đa dạng sinh học biển nói riêng rất được Việt Nam coi trọng. Với lợi thế về sự đa dạng sinh học (ĐDSH), Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm ĐDSH lớn của thế giới.
>>> Thừa Thiên Huế: Nhiều hoạt động hưởng ứng lễ phát động “ Ngày Chủ nhật xanh”
>>> 100 thành phố của Ấn Độ phát động chiến dịch cải thiện không khí
Ảnh minh họa
Việt Nam là quốc gia giàu có về đa dạng sinh học, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Kết quả điều tra cho thấy: tại vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11 nghìn loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy; 2.400 loài cá, với 130 loài cá có giá trị kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù sa; 537 loài thực vật phù du; 225 loài tôm biển… Ngoài ra, các cảnh quan ven bờ biển, các đảo ven bờ có hệ sinh thái tự nhiên với tính đa dạng sinh học cao còn là nền tảng cho ngành du lịch phát triển nhanh, nhất là du lịch sinh thái đang trở thành dịch vụ phổ biến ở các khu bảo tồn thiên nhiên.
Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học mang lại, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học biển nói riêng. Điển hình như Luật đa dạng sinh học (năm 2008); Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 Khu bảo tồn biển. Tính đến năm 2018, cả nước đã có 10 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học. biển ở Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức do việc quản lý đánh bắt kém hiệu quả đang dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng nước, làm suy giảm tổng lượng đánh bắt.
Nhân Dân đưa tin, tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó có mục tiêu: Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu Nghị quyết 36/NQ-TW đề ra, nhất là đối với công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học. biển nói riêng, trong đó chú trọng đến các cơ chế toàn cầu và khu vực mà các điều ước và diễn đàn quốc tế đang quan tâm.
Đồng thời, các cấp, ban, ngành cùng nhân dân cả nước cùng chung tay để bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của đa dạng sinh học.
Quỳnh Dao (T/h)