Quyết định trên được đưa ra tại kỳ họp lần thứ 33, Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) được tổ chức tại Nigeria.
Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái trong cụm du lịch Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: TTXVN
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Chúa có diện tích hơn 106.000 ha – mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á.
Hệ động, thực vật tại khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm. Ảnh: TTXVN
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng với diện tích hơn 410.000 ha, gồm hai vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nơi đây có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên.
Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên, khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Hai khu dự trữ sinh quyển trên đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
Như vậy, trong 20 năm qua, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Vân Khánh