Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong 10 năm tới vì ô nhiễm

Ngọc Ánh|22/03/2021 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc thế nhưng lại được cảnh báo có thể sẽ thiếu nước trong 10 năm tới.

Ngày nước Thế giới (22/3) năm nay với chủ đề “Giá trị của nước” để nhấn mạnh giá trị thực sự của nước trong cuộc sống của con người. Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc thế nhưng lại được cảnh báo có thể sẽ thiếu nước trong 10 năm tới.

Nước chiếm ¾ trái đất và là nguồn tài nguyên qúy giá đối với sự sống của con người. 70% diện tích Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% nước trên thế giới là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng. 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 22% cho công nghiệp và 8% phục vụ sinh hoạt.

Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500-800 lít/ngày so với 60-150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển. Hiện nay, các thành phố lớn, nhất là ngay tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát. Việc khoan giếng lấy nước ngầm xảy ra tràn lan, không những gây thất thoát, lãng phí còn có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước đó.Hơn nữa, do không thấy hết vị trí quan trọng của tài nguyên nước, nên trên khắp cả nước, đâu đâu cũng thấy có những bãi rác, nơi chôn cất, xử lý rác thải không được thực hiện theo đúng quy định và quy trình bảo vệ môi trường, để nước rác rò rỉ ngấm xuống nguồn nước ngầm và tràn ra nguồn nước mặt.

Đảm bảo an ninh nguồn nước đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất đang là thách thức lớn của Việt Nam

Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính gây ra thiếu nước. Theo báo cáo, hiện nay, hơn 70% lượng nước ở các sông trên toàn quốc không thể dùng để ăn uống hay tắm rửa. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một số vùng có amoni cao như Hà Nam và Ứng Hòa, Hà Nội. Dù đã được cung cấp nước sạch nhưng nhiều bà con vẫn còn dùng nước ngầm có hàm lượng amoni rất cao.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, đến năm 2025 sẽ tái sử dụng từ 20- 30% nước để giảm sức ép với tài nguyên. Trong những năm tới, chính sách tái sử dụng nước sẽ tiếp tục được quan tâm và bộ TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành chính sách tái sử dụng nước để giảm sức ép khai thác tài nguyên.

Ngọc Ánh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong 10 năm tới vì ô nhiễm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.