Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới

Mai Hạ|05/07/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn cả tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, thực tiễn tốt, tầm nhìn và định hướng phát triển.

5-tr-luu-quang.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà lưu niệm cho ông Wempi Saputra -Giám đốc điều hành Văn phòng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Nam Á

Đó là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong buổi tiếp ông Wempi Saputra - Giám đốc điều hành Văn phòng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Nam Á tại Trụ sở Chính phủ chiều 4/7.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và WB, góp phần giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn WB và Văn phòng đã giúp Việt Nam tiếp nhận khoản hỗ trợ trị giá 263,9 triệu USD từ nguồn vốn IDA để hỗ trợ thực hiện phục hồi và phát triển bền vững và bao trùm trong phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Giám đốc điều hành Văn phòng WB khu vực Đông Nam Á Wempi Saputra chúc mừng những thành tựu phát triển ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, và không có nhiều quốc gia đạt được mức tăng trưởng 8% năm 2022.

Theo ông Wempi Saputra, tân Chủ tịch WB, ông Ajay Banga nhậm chức hôm 2/6 vừa qua đã đưa ra tầm nhìn mới cho WB, đó là xây dựng một thế giới không có đói nghèo.

Ông Wempi Saputra cũng cho hay WB cùng các ngân hàng phát triển khác đã phân tích và chỉ ra 6 nhóm thách thức lớn đối với thế giới hiện nay, trong đó có hậu quả của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, tính dễ tổn thương của các quốc gia, thách thức bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng…, tác động đáng kể đến trọng tâm hoạt động và ưu tiên của WB trong thời gian tới.

Sứ mệnh mới cùng những trọng tâm ưu tiên của WB rất phù hợp với mục tiêu phát triển của phía Việt Nam, ông Wempi Saputra nhìn nhận, đồng thời khẳng định WB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực cải cách của WB để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước, nhấn mạnh những thách thức WB chỉ ra đối với thế giới cũng là thách thức đối với Việt Nam và điều đó cho thấy cả Việt Nam và WB đều có chung nhận định về tình hình thế giới và mục tiêu chung của tất cả các quốc gia.

Phó Thủ tướng nêu rõ trong giai đoạn hiện nay Việt Nam không chỉ đối mặt với các vấn đề toàn cầu mà còn cả những vấn đề của riêng Việt Nam như ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển theo xu thế của thế giới (năng lượng xanh, năng lượng sạch…), hay ứng phó với diễn biến thiên tai bất thường.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu thì đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng sớm nhất và mạnh nhất (sớm hơn từ 18-19 năm so với dự báo cho năm 2023), Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tình trạng nước biển dâng cùng với sự suy giảm nguồn nước ngọt từ thượng nguồn, kéo theo sự suy giảm về phù sa và nguồn lợi thủy sản đã và sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục triệu người dân khu vực này.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của WB, không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn cả tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, thực tiễn tốt, tầm nhìn và định hướng phát triển để giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của mình, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng mong muốn WB cân nhắc linh hoạt hơn về tiêu chí, yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án tại Việt Nam, sớm mang lại lợi ích cho người dân.

Bài liên quan
  • Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ
    Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng 2022 của Việt Nam lên 7,2%, từ mức 5,3% hồi tháng 4, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới