Ngày 5/12, Bộ Quốc phòng bàn giao 37 hecta tại phía Tây sân bay Biên Hòa cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) để bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Sân bay Biên Hòa là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam. Dự án sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao trong khoảng thời gian dự kiến là 10 năm có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD, với các phương pháp xử lý và cô lập như được sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng. Trong đó, giai đoạn 1 với kinh phí 183 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm và vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường.
Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý tại sân bay Biên Hòa – nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam là 500.000 m³, gấp khoảng bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng.
Các chuyên gia đang thực hiện các hoạt động thực địa, quan trắc tại khu vực dự án xử lý ô nhiễm dioxin thuộc sân bay Biên Hoà. Ảnh: HAC
Ngoài ra, USAID cũng ký một khoản thỏa thuận với Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa và môi trường (NACCET) về khoản tài trợ 65 triệu USD nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra bốn vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài. Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.
Hạnh Mai (t/h)