Vĩnh Long chủ động ứng phó thiên tai trong thời điểm giao mùa
Tháng 5 là thời điểm chuyển mùa từ khô sang mưa ở khu vực Nam Bộ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Giai đoạn này thường xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét và mưa lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Trước thực tế đó, Vĩnh Long đang triển khai hàng loạt biện pháp phòng ngừa, ứng phó chủ động nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Theo dự báo của ngành chức năng, thời điểm giao mùa năm nay có thể ghi nhận nhiều diễn biến bất thường về thời tiết. Để ứng phó kịp thời, các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh đã tăng cường theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, từ đó nhanh chóng chuyển thông tin đến người dân, đồng thời tổ chức hướng dẫn bà con áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Tại huyện Vũng Liêm, ông Lê Văn Thăm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 4.750 ha diện tích trồng lúa, cây ăn trái và rau màu đang trong giai đoạn dễ bị ảnh hưởng bởi mưa dông và lốc xoáy.
Đối với cây lúa, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần bón phân cân đối, tránh lạm dụng phân đạm để hạn chế sâu bệnh và giúp cây lúa cứng cáp hơn trước gió mạnh. Bên cạnh đó, cần chủ động tiêu thoát nước để tránh ngập úng và đổ ngã khi có mưa lớn. Đặc biệt, với diện tích lúa đã chín khoảng 80-90%, bà con nên tranh thủ thu hoạch sớm nếu có thông tin về mưa bão.
Với các loại rau màu, người dân được hướng dẫn làm luống cao, thiết kế hệ thống rãnh thoát nước thông suốt, điều chỉnh mật độ trồng hợp lý, đồng thời tăng cường bón kali và lân để tăng sức đề kháng cho cây.
Đối với vườn cây ăn trái – loại hình sản xuất có giá trị cao các biện pháp như cắt tỉa cành, tạo tán hợp lý để giảm sức cản gió, sử dụng dây buộc, cọc chống đỡ cây, và hạn chế để nhiều quả trên cây trong mùa mưa bão cũng đang được khuyến cáo rộng rãi đến bà con nông dân.
Ngoài cây trồng, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng là một lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm trong mùa mưa bão. Tại xã An Bình (huyện Long Hồ) – nơi có tới 1.093 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền và sông Cổ Chiên – công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân gia cố, chằng chống lồng bè được triển khai thường xuyên.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích các chủ lồng bè theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai. Khi có dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch nuôi trồng, kiểm tra lại kết cấu lồng bè để phòng tránh thiệt hại do dòng chảy xiết, gió lớn gây ra.”
Có thể thấy, tinh thần chủ động, linh hoạt trong phòng chống thiên tai của chính quyền và người dân Vĩnh Long chính là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tối đa thiệt hại khi bước vào mùa mưa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc ứng phó hiệu quả với thiên tai không chỉ bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân, mà còn góp phần đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.