Vụ lấp hồ ở Long Biên (Hà Nội): Cần lấy ý kiến cộng đồng và chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp hồ

Thế Đoàn|28/02/2022 08:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thông tin UBND quận Long Biên có chủ trương lấp hàng nghìn m2 hồ tự nhiên ở phường Ngọc Thụy để làm dự án, phân lô bán nền, sau đó lại dùng tiền ngân sách làm các hồ nhân tạo mới đang nhận được nhiều ý kiến và quan tâm của dư luận.

VIDEO: Quận Long Biên: Hàng nghìn mét vuông ao hồ sắp bị san lấp, người dân kiến nghị TP.Hà Nội vào cuộc

Trước đó, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã thông tin về việc hàng trăm hộ dân tổ 11 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên có đơn thư kiến nghị các cấp chính quyền TP.Hà Nội xem xét đánh giá, điều chỉnh quy hoạch để giữ lại hàng nghìn m2 diện tích hồ tự nhiên, đóng vai trò là “lá phổi xanh”, làm đẹp cảnh quan môi trường và là nơi trữ nước, tránh ngập úng trong mùa mưa lũ cho khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường

Phóng viên Moitruong.net.vn đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) liên quan đến vấn đề này.

PV: Thưa ông, việc giữ gìn, bảo vệ diện tích ao, hồ tự nhiên có ý nghĩa, vai trò như thế nào trong việc phát triển kinh tế – xã hội, an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội?

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Ao hồ, mặt nước là một phần không thể thiếu trong phát triển hạ tầng đô thị, đóng vai trò rất quan trọng trong điều hòa môi trường sống, góp phần tạo dựng nét đẹp cảnh quan, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, nhiều hồ nước còn có tác dụng giảm ngập úng cục bộ. Đối với các quốc gia trên thế giới, đô thị nào sở hữu mặt nước tự nhiên lớn thường được coi là đặc ân của thiên nhiên. Đối với Hà Nội, những ao hồ được hình thành tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng, là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ, cần hết sức thận trọng, xem xét thấu đáo trước khi quyết định san lấp, kể cả trong trường hợp dự kiến sẽ tạo diện tích mặt nước tương đương ở khu vực lân cận.

PV: Liên quan đến việc UBND quận Long Biên có chủ trương san lấp hàng nghìn m2 diện tích ao, hồ tự nhiên để làm dự án. Người dân kiến nghị chính quyền xem xét, đánh giá hiện trạng, giữ lại các hồ tự nhiên để phục vụ cảnh quan môi trường, chống úng ngập. Vậy quan điểm của ông là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Quan điểm chung là các ao hồ tự nhiên ở Hà Nội cần được bảo vệ, tôn tạo để gia tăng giá trị phục vụ cộng đồng, khi phát triển đô thị, thậm chí cần phải tạo thêm các hồ nhân tạo, tăng diện tích mặt nước. Trường hợp bắt buộc phải san lấp một vài hồ ao cụ thể nào đó thì cơ quan quản lý cần công khai thông tin, quy hoạch, chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp ao hồ đối với cộng đồng so với hiện trạng tự nhiên.

Hàng nghìn m2 hồ tự nhiên sắp bị san lấp để phân lô bán nền, trong khi hạ tầng của dự án còn ngổn ngang, chậm tiến độ

PV: Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và TP.Hà Nội đã có chủ trương, ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện bảo vệ, giữ gìn diện tích ao, hồ tự nhiên; cải tạo, bổ sung thêm diện tích cây xanh mặt nước ở các đô thị. Vậy theo ông, UBND quận Long Biên có nên xem xét, đánh giá dự án, để giữ lại diện tích ao, hồ tự nhiên hay không?.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Điều 57 Luật BVMT năm 2020 quy định: Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên. Công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên thực tế cho thấy quy định pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện nghiêm túc, không chỉ ở Hà Nội. UBND quận Long Biên rất nên xem xét lại tính hợp lý, tính khoa học của Dự án, Quy hoạch, và công khai thông tin. Nếu san lấp chỉ để phân lô bán nền thì càng phải xem xét lại.

Quận Long Biên cần lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trước khi lấp hồ

PV: Trong trường hợp UBND quận Long Biên tiếp tục triển khai san lấp hàng nghìn m2 ao, hồ tự nhiên để làm dự án thì những hệ lụy có thể xảy ra là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Bất cứ Dự án hạ tầng đô thị nào cũng sẽ có tác động đến môi trường, cộng đồng, cả về mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là cần chứng minh rõ phần tác động tích cực là cơ bản, phần tiêu cực là thứ yếu. Đó là trách nhiệm của UBND quận Long Biên cần phải trả lời người dân. Và trong ngắn hạn, chính quyền cần công khai thông tin quy hoạch, tiến độ thực hiện dự án, các phương án hồ thay thế,… để có được sự ủng hộ của cộng đồng dân cư.

PV: Để triển khai hiệu quả các dự án, cơ sở hạ tầng phục vụ việc phát triển nhưng tránh gây ảnh hưởng đến môi trường, nhất là vấn nạn san lấp, lấn chiếm ao, hồ xảy ra trong thời gian qua, theo ông giải pháp là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Đã có các quy định pháp luật, có chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Hà Nội, vấn đề còn lại là tính nghiêm túc trong triển khai thực hiện. Trước mắt nên sớm có điều tra cập nhật chi tiết hiện trạng ao hồ Hà Nội, đặc biệt là ao hồ tự nhiên, trên cơ sở đó đối chiếu với quy hoạch, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch nếu thấy chưa hợp lý. Ngoài ra tình trạng lấn chiếm ao hồ cũng là vấn đề nóng của Hà Nội. Cần định kỳ kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm, bên cạnh đó cần bảo vệ, đẩy mạnh tôn tạo lại các hồ ao.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn với Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn!

Thế Đoàn

Bài liên quan
  • Quận Long Biên: Hàng chục nghìn m2 ao hồ sắp bị san lấp, người dân kiến nghị TP.Hà Nội vào cuộc
    Moitruong.net.vn – Hàng nghìn mét vuông khu vực hồ câu Xuân Quế và hồ câu Sơn Thủy, tổ 11 phường Ngọc Thụy đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, để san lấp mặt bằng xây dựng dự án. Người dân nơi đây mong muốn chính quyền TP. Hà Nội và quận Long Biên xem xét, đánh giá, giữ lại diện tích hồ nước để tạo cảnh quan, môi trường trong lành và phục vụ công tác thoát nước khi khu vực này bị ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vụ lấp hồ ở Long Biên (Hà Nội): Cần lấy ý kiến cộng đồng và chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp hồ