Ngày 13.2, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL.
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Hiện tại, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao (từ ngày 8 – 16/2), đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 g/l tại các cửa sông đạt cao nhất. Điển hình vùng 2 sông Vàm Cỏ phạm vi từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-22 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 (năm có mức xâm nhập mặn cao nhất) từ 4-6 km, thấp hơn 15-17 km so với mức sâu nhất năm 2016.
Hay vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn phạm vi khoảng 61 km, sâu hơn trung bình nhiều năm khoảng 12 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5km, thấp hơn khoảng 7 km so với mức sâu nhất năm 2016.
ĐBSCL đang chịu đợt hạn mặn gay gắt, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và nước sinh hoạt của người dân.
Dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Từ cuối tháng 3 xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, do ảnh hưởng của hạn mặn thống kê ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An đang có 79.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương đã huy động các đơn vị quân đội dùng tàu hải quân chở nước ngọt cung cấp cho người dân; hỗ trợ người dân các dụng cụ trữ nước; mở rộng, nối dài hệ thống đường ống cấp nước, nâng cao công suất của các trạm cấp nước có đủ nước sinh hoạt.
Đặc biệt, tại tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt 50 vòi nước công cộng đảm bảo khắc phục tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày xâm nhập mặn lên cao.
Trước tình hình xâm nhập mằn, tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh cũng đã chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất xây dựng hồ trữ nước ngọt tại kênh cụt và dẫn dòng cũ, đập tạm ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt cho các trạm cấp nước tập trung nông thôn, tập trung tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh.
Cùng đó, rà soát, nâng cấp, mở rộng, kéo dài tuyến ống đối với các công trình lân cận còn dư công suất để cung cấp nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Kiên Giang.
Lê Mai (t/h)