Xâm nhập mặn ở ĐBSCL được dự báo tăng cao vào cuối tháng 3

Hòa An|21/03/2021 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, những ngày giữa tháng 3/2021, xâm nhập mặn (XNM) tại các cửa sông chính vùng ĐBSCL tăng cao so với đầu tháng. Cụ thể, ngày 17/3, tại cửa sông Cửu Long (Cửa Đại, Cửa Tiểu, Hàm Luông, Cổ Chiên, sông Hậu) mặn xâm nhập từ 42-45km, cao hơn đầu tháng 3 từ 1-5km; sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây mặn xâm nhập từ 78-89km, cao hơn đầu tháng 3 từ 11-12km; sông Cái Lớn mặn xâm nhập 56km, cao hơn đầu tháng 3 là 16km. Tình hình trên ảnh hưởng đến việc lấy nước sinh hoạt và trữ nước sản xuất nông nghiệp của người dân tại địa phương.

Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, tình hình XNM tiếp tục diễn ra tại khu vực ĐBSCL thời gian tới. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo: Từ ngày 25-31/3/2021, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 48-70km, từ 75-90km trên sông Vàm Cỏ và từ 50-55km trên sông Cái Lớn.

Ảnh minh họa.

Thời gian này không xuất hiện mưa nên nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước đến từ lưu vực thượng nguồn sông Mekong, đề phòng gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long. Các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn trong tháng 3, vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020 – 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 – 2020. Sau tháng 3, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao; xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ ngày 9 đến 14/4 và từ ngày 24 đến 30/4, trên sông Cái Lớn tăng cao trong các đợt từ ngày 31/3 đến 7/4 và từ ngày 15 đến 24/4, sau giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Hòa An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL được dự báo tăng cao vào cuối tháng 3