Câu chuyện Dự án Công viên điện mặt trời quốc gia tại Campuchia do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ giao dịch và tài chính đã mang lại kết quả ấn tượng khi nhà thầu Thái Lan đã trúng thầu với mức giá 3,877 UScents/kWh đang trở thành vấn đề được nhiều nơi quan tâm, bởi giúp hạ giá thành điện sản xuất và tạo ra sự minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.
Trong tờ trình phương án giá điện mặt trời mới, Bộ Công thương cho biết, bộ này đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, USAID, GIZ… nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này mất nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, để thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án, các chuyên gia đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về đầu tư, đấu thầu và đối tác công – tư (PPP) nhằm đảm bảo xây dựng mô hình công bằng, minh bạch và khả thi để thúc đẩy phát triển các nguồn điện mặt trời và tối ưu hóa chi phí.
Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi thị trường đã phát triển tốt, cơ chế đấu thầu sẽ được xây dựng để thay thế nhằm đạt 4 mục tiêu lớn. Thứ nhất là, kiểm soát được quy mô công suất phát triển nguồn điện NLTT theo đúng quy hoạch, phù hợp khu vực phụ tải, kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện truyền tải đảm bảo khả năng giải tỏa công suất dự án NLTT. Hai là, phát triển đáp ứng đúng mục tiêu với chi phí tối ưu. Ba là, giảm rủi ro tài chính, thuận lợi huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế. Bốn là, tiếp cận với thị trường cạnh tranh.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, năm 2018, đã có 98 nước/bang trên thế giới áp dụng cơ chế đấu thầu cho các dự án NLTT. Cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển điện từ nguồn NLTT một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí và minh bạch.
Đánh giá về khả năng áp dụng khung pháp lý hiện hành để triển khai cơ chế đấu thầu phát triển các dự án điện mặt trời, một nghiên cứu của Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới vừa thực hiện cho thấy, pháp luật hiện hành về đấu thầu lựa chọn dự án hay nhà đầu tư (Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Đầu tư…) trên cơ sở giá điện chưa có quy định cụ thể.
“Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng quy định về cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT nói chung, điện mặt trời nói riêng là cần thiết”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để thiết kế cơ chế đấu thầu điện mặt trời phù hợp, cơ quan đề xuất Dự án cho rằng, cần phải thực hiện các nghiên cứu cơ bản về khung pháp lý và các tiêu chí thiết kế hồ sơ. Việc đấu thầu lựa chọn theo giá điện cần phải được thiết kế cụ thể với những yếu tố kỹ thuật đặc thù riêng liên quan đến tính toán cân bằng hệ thống truyền tải và phân phối, khu vực tiềm năng, đất đai, đánh giá hiệu quả kinh tế…
Minh Anh (t/h)