Xây dựng thành phố thông minh: Cần cân bằng phát triển kinh tế và phát triển bền vững

Hồng Minh (T/h)|13/05/2019 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo chuyên gia, để xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường.

Theo TS. Tạ Đức Tùng đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới.

Tại Việt Nam, đã có nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình và các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn cần có sự đóng góp của cả các doanh nghiệp và người dân.

Thành phố thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế số, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, và nhiều yếu tố thông minh khác.

Xây dựng thành phố thông minh phải gắn phát triển kinh tế với phát triển bền vững

Ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (Wifi, 4G/5G), điện thoại thông minh, Big data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, xây dựng thành phố thông minh (Smart city) đang là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới nhằm giải quyết những thách thức về vấn đề đô thị. Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua đã có nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư nghiên cứu để phát triển những ứng dụng cho Smart city, tạo dựng các kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống… để có thể triển khai hoạt động của hệ thống đồng bộ và ổn định theo chuẩn quốc tế.

TS. Tạ Đức Tùng lấy ví dụ điển hình từ Nhật Bản – quốc gia bắt đầu xây dựng thành phố thông minh, bắt đầu từ những dự án năm 2010. Nước này đã xây dựng thành phố thông minh bắt nguồn từ thành phố cũ, có những loại hình thành phố thông minh xây dựng từ thành phố mới. Việt Nam nên học tập mô hình xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở những thành phố cũ đã có sẵn.

Ngoài học tập về chính sách, việc quy hoạch giao thông trong thành phố, việc quản lý các nguồn tài nguyên nước, đất, không khí, rác thải, cũng là một trong những nội dung Việt Nam nên học tập Nhật Bản. Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng thành phố thông minh nếu có chiến lược phù hợp, cụ thể và có hành động quyết liệt.

Tuy nhiên, theo TS. Tạ Đức Tùng: “Để xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững sao cho tổng hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường trong sạch”.

Cũng như nhiều chuyên gia khác đã nhận định, việc chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của cuộc CMCN 4.0 là chưa đủ, để chuyển đổi thành thành phố thông minh còn đòi hỏi chuyển đổi cách hành pháp, quản trị và vận hành của các thành phố.

Trong đó, chính quyền phải xây dựng một tầm nhìn rõ ràng để có một lộ trình đúng hướng, qua đó xây dựng quy hoạch tổng thể, tạo các cơ chế chính sách để thúc đẩy các công ty, tập đoàn nghiên cứu, phát triển và làm chủ được các ứng dụng cho thành phố thông minh.. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bắt kịp cuộc CMCN 4.0 khi xây dựng được thành phố thông minh với các tiêu chuẩn quốc tế chứ không đơn thuần chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Thành phố thông minh là xu hướng tất yếu của các quốc gia

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Thành Vinh, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật công nghiệp tiên tiến (Nhật Bản) nhấn mạnh, thành phố thông minh là xu hướng tất yếu nếu Việt Nam muốn bắt kịp con tàu CMCN 4.0. Việt Nam đang có đầy đủ các cơ hội để xây dựng được các Smart city của người Việt khi đã sở hữu hệ thống công nghệ tốt, phát triển sau nên đi tắt đón đầu. Nhất là thời điểm hiện tại có rất nhiều tổ chức, đơn vị muốn triển khai thí điểm dựa trên những ứng dụng đã được các nước phát triển dùng thành công.

Tuy nhiên, hiện nay giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vẫn chưa có đồng bộ về hệ thống và sự tương tác với nhau. Do đó, cần sớm xây dựng khung pháp lý, các tiêu chuẩn, tiêu chí về hạ tầng, dữ liệu và thiết bị phục vụ thành phố thông minh mang tầm quốc gia để liên kết vùng miền; thí điểm mô hình Smart City mẫu để nghiên cứu và nhân rộng.

Đồng thời, có cơ chế giám sát, bảo đảm việc xây dựng thành phố thông minh qua bảng đánh giá xếp hạng theo chuẩn quốc tế và có cơ chế thúc đẩy các công ty vừa và nhỏ tiếp cận thị trường cung cấp dịch vụ cho Chính phủ. Nhất là để triển khai Smart City cần đặt ra những mục tiêu dài hạn, lấy người dân làm trung tâm, đưa các ứng dụng, nền tảng công nghệ phục vụ người dân và xã hội.

Hồng Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng thành phố thông minh: Cần cân bằng phát triển kinh tế và phát triển bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.