Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Công Thương nêu rõ, Việt Nam có 28 NMNĐ đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000 MW, có tỷ trọng khoảng 39% trong cơ cấu nguồn điện.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), tổng công suất đặt của hệ thống năm 2030 khoảng 129.500 MW. Trong đó thủy điện chiếm gần 16,9%, nhiệt điện than khoảng 42,6%, nhiệt điện khí khoảng 14,7%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo khoảng 21%, nhập khẩu điện khoảng 1,2%. Với nhu cầu điện thương phẩm năm 2030 là trên 500 tỷ kWh (gấp gần 3 lần năm 2018), có thể thấy rằng việc đảm bảo đủ điện là sức ép lớn trong đầu tư nguồn điện.
Như vậy, trong giai đoạn đến năm 2030 và các năm sau, nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện (chiếm khoảng 42,6% công suất và sản xuất khoảng 53% điện năng toàn hệ thống), đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển các nguồn điện than trong thời gian tới là cần thiết nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và thu nhập người dân. Dự kiến trong giai đoạn tới, mỗi năm hệ thống cần bổ sung 8.000 MW đến 10.000 MW thì nhiệt điện than cần bổ sung từ 3.200 MW đến 4.500 MW.
Cần giải pháp xử lý và tiêu thụ tro, xỉ từ các NMNĐ
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu không xử lý được tro, xỉ thải, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Mặc dù vấn đề tro xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
Trước đó, cụ thể Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn hơn 320.000 tấn tro bay của Nhà máy thải ra mỗi năm đều được đối tác thu mua hết. Đối với lượng xỉ hơn 80.000 tấn/năm, đối tác cũng đã thu mua một phần, đồng thời có cam kết tiêu thụ toàn bộ xỉ trong thời gian tới. Hiện nay, với lượng xỉ chưa tiêu thụ được, Công ty đã phun trộn nước, tạo thành hỗn hợp không thể phát tán bụi vào môi trường và tiến hành bơm đẩy hỗn hợp ra bãi chứa qua đường ống kín chuyên biệt, an toàn. Bãi thải xỉ được Công ty bố trí cách xa khu dân cư, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo môi trường sống.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thịnh – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, bên cạnh việc tận dụng tốt sự hỗ trợ, hợp tác của đối tác thu mua tro, xỉ; một giải pháp được Công ty thực hiện hiệu quả là phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện sâu sát các giải pháp bảo vệ môi trường. Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã thành lập phòng Môi trường, với đội ngũ chuyên viên, nhân viên có trình độ chuyên môn cao. Công ty không chỉ xây dựng đầy đủ hệ thống quy trình xử lý như: Vận hành hệ thống thiết bị thải tro, xỉ; hoạt động xử lý tại bải xỉ…, mà còn tiến hành các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất, phát hiện kịp thời những vấn đề về môi trường, xử lý tốt vấn đề tro, xỉ, không để xảy ra sai sót.
Công ty đã quán triệt tới toàn thể CBCNV ý thức “sống xanh”, đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường vào hệ thống tiêu chuẩn chấm KPI, xét lương, thưởng, kỷ luật trong toàn Công ty. Nhờ đó, mỗi CBCNV đều có ý thức giám sát, bảo vệ môi trường, bảo vệ đường ống bơm xỉ ướt, duy trì phong trào trồng và chăm sóc cây xanh quanh bãi thải xỉ, quanh khuôn viên Nhà máy…
Như vậy, do nắm bắt được các cơ hội tiêu thụ lượng tro, xỉ thải ra, đồng thời tích cực phối hợp với các đối tác, linh hoạt thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình SX-KD, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng và Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã có giải pháp xử lý, tái sử dụng hiệu quả lượng tro, xỉ. Đây là cách làm được nhiều nhà máy nhiệt điện khác tham khảo, áp dụng, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo vận hành các nhà máy nhiệt điện theo hướng hiệu quả và bền vững.
Để phát triển các dự án nhiệt điện than cần lựa chọn công nghệ hiện đại (hiệu suất cao, phát thải thấp) và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, có các giải pháp để đảm bảo yêu cầu về an toàn môi trường đáp ứng quy định. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu chủ đầu tư các NMNĐ than thực hiện nghiêm các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn môi trường.
Minh Anh (T/h)