Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Hệ thống Dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR) cho biết mật độ các loại hạt nhỏ hơn 2,5 microns (PM2.5) đã lên đến mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Mật độ bụi mịn PM2.5 đo được trong sáng 3-11 là 810 microgram/m3, tức là mức “nguy hiểm cho sức khỏe”. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số an toàn đối với sức khỏe là tối đa 25 microgram/m3.
Cứ mùa đông về, thành phố 20 triệu dân này lại chìm trong một màn khói mù độc hại do khói ôtô, khí thải công nghiệp và khói từ hoạt động đốt nương rẫy ở các bang lân cận.
“Ô nhiễm đã đến mức không thể chịu nổi” – Thống đốc New Delhi, ông Arvind Kejriwal, cũng phải than trời. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về chứng đau mắt và viêm họng, nên nhiều người đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Chính quyền thành phố New Delhi kêu gọi người dân không rời khỏi nhà, trường học tạm thời đóng cửa và một số chuyến bay cũng bị hủy.
“Chánh văn phòng Thủ tướng, ông P. K. Mishra, tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các bang Punjab, Haryana và New Delhi để giải quyết ô nhiễm không khí. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng dẫn đến tình trạng khẩn cấp như ở vùng thủ đô quốc gia”, Chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Ấn Độ giao Bộ trưởng Nội các Shri Rajiv Guaba theo dõi tình hình môi trường ở các vùng lãnh thổ phía Bắc suốt ngày đêm.
“Cuộc họp xem xét tình hình phát sinh từ việc đốt gốc cây, hoạt động xây dựng, đốt chất thải và ô nhiễm công nghiệp, xe cộ. Theo đó, giao cho Bộ trưởng Nội các Shri Rajiv Guaba sẽ theo dõi tình hình này hàng ngày”, báo cáo Chính phủ Ấn Độ cho biết.
20 triệu dân của thủ đô Ấn Độ lại nghẹt thở trong màn khói mù do ô nhiễm
Nội các Ấn Độ cũng yêu cầu các bang có các gải pháp phòng ngừa, giảm số lượng sự cố cháy, khói bụi trong điều kiện thời tiết xấu.
“Khoảng 300 nhóm được triển khai trên cánh đồng ở thủ đô để đối phó thách thức ô nhiễm không khí. Trọng tâm chính là 7 cụm công nghiệp và các hành lang giao thông chính trong khu vực thủ đô và Punjab và Haryana. Các máy móc cần thiết được cung cấp cho các bang”, báo cáo Chính phủ Ấn Độ cho hay.
Tình hình ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ được xem là rất tồi tệ. Theo báo cáo của Greenpeace và AirVisual về ô nhiễm không khí, khoảng 22 trong số 30 thành phố có ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới nằm ở Ấn Độ. Gurugram, cách New Delhi 30 km về phía Tây Nam, được mệnh danh là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Trong khi đó New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất.
Minh An (T/h)