Đức: Mục tiêu giảm khí thải C02 đến năm 2050

Minh Anh (t/h)|01/11/2019 08:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chính phủ Đức đặt mục tiêu khí hậu giảm lượng khí thải C02, chi phí đến năm 2050 ước sẽ lên tới 2,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng gần 2.000 tỷ euro.

Ngày 23/10, Chính phủ Đức đã quyết định phê chuẩn dự luật về hệ thống định giá khí thải carbon dioxide (CO2) cũng như một lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng dầu mới sau năm 2026.

Theo dự luật này, kể từ năm 2021, mỗi tấn khí thải CO2 sẽ được định giá là 10 euro/tấn (khoảng 11,12 USD) và đến năm 2025, giá khí thải CO2 dự kiến sẽ tăng lên mức 35 euro/tấn. Ngoài ra, dự luật mới cũng quy định từ năm 2026 trở đi, mức giá khí thải CO2 sẽ do một thị trường ngoại hối về chứng chỉ carbon quy định và được giới hạn ở mức 60 euro/tấn.

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm nghiên cứu Juelich (Đức), Đức có thể sẽ mất khoảng 1.850 tỷ euro (khoảng 2.060 tỷ USD) để thực hiện mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính C02 từ nay đến năm 2050. Kết quả nghiên cứu của Juelich cho thấy nếu Chính phủ Đức đạt được mục tiêu khí hậu giảm lượng khí thải C02 ở mức 95% so với mức của năm 1990, thì chi phí hàng năm đến năm 2050 ước sẽ lên tới 2,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo tiến sỹ Martin Robinius thuộc Trung tâm nghiên cứu Juelich, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Đức sẽ “gắn liền với các khoản đầu tư đáng kể.”

Ông cho biết chi phí cho quá trình chuyển đổi có thể dự đoán trước và quản lý được, tuy nhiên chi phí để thích ứng tiếp theo với biến đổi khí hậu là “khó dự toán và có thể cao hơn nhiều lần.” Các nhà máy phong điện và quang điện mới sẽ cần phải được xây dựng từ nay đến năm 2035 nhằm đạt được sự chuyển đổi “hiệu quả nhất về chi phí” sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, trong thời gian này, hiệu quả năng lượng cũng sẽ cần phải được “tăng cường” trong tất cả các lĩnh vực tiêu dùng, trong đó có giao thông, sản xuất hoặc nhà ở… Ngoài ra, sau năm 2035, tất cả công nghệ được sử dụng trong giao thông, sản xuất và nhà ở, nếu vẫn dựa vào các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ cần phải được “điện hóa nhanh chóng và dứt khoát” hoặc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sinh học.

Chính phủ Đức cũng đã trình bày dự thảo luật đầu tiên về các biện pháp bảo vệ khí hậu, cắt giảm lượng khí thải CO2, trong đó có việc giảm thuế đối với du lịch đường sắt và tăng thuế đối với các chuyến bay. Với kế hoạch hành động bảo vệ khí hậu này, Đức hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra vào năm 2030.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh lượng khí thải thải vào khí quyển tiếp tục tăng lên, gây ra những cơn sóng nhiệt cũng như bão lũ như những năm gần đây, Liên hợp quốc khuyến khích các nước trên thế giới cần tiếp tục các nỗ lực của mình.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đức: Mục tiêu giảm khí thải C02 đến năm 2050