Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lớn gây ra đối với điểm có nguy cơ sạt lở núi Mang Kà Muồng, thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà.
Theo đó, do các đợt mưa lớn diễn ra vào các tháng 9, 10, 11 năm 2024 vừa qua, tại núi Mang Kà Muồng (vị trí đối diện Nhà văn hóa thôn Nước Tang), sườn núi đã bị nứt với chiều dài khoảng 60m, dọc theo hướng đường giao thông, chiều sâu từ 0,5 - 2m, chiều rộng khoảng 50 cm.
Đường nứt ngày càng mở rộng, nhiều đoạn đã sụt, trượt, sâu nhất khoảng hơn 2m; dưới chân núi gần mặt đường có hiện tượng đùn đất, đá tạo nên các vết rạn nứt. Qua kiểm tra hiện trường sau các đợt mưa, lũ từ ngày 4/11 đến 6/11 vừa qua, điểm nứt núi, sạt lở này đã tiếp tục phát triển, nguy cơ tiếp tục sụt, trượt.
Điểm nứt núi, sạt lở trên ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường ĐX47 đi hồ chứa nước Nước Trong (tuyến đường độc đạo phục vụ công tác quản lý vận hành và phòng, chống thiên tai hồ chứa nước Nước Trong và vùng hạ du); 4 hộ dân/21 nhân khẩu dưới chân núi; điểm trường mầm non Hướng Dương (có 27 trẻ, 01 cô giáo); nhà văn hóa thôn Nước Tang; trạm BTS hồ Nước Trong; trại thực nghiệm tạm giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện; ảnh hưởng gián tiếp đến 5 hộ dân sống lân cận.
Theo nhận định, trong thời gian đến trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có diễn biến mưa lớn dẫn đến khu vực này có nguy cơ rất cao tiếp tục bị sạt lở sẽ gây tắc nghẽn đường lên hồ chứa nước Nước Trong, ảnh hưởng đến công tác ứng phó thiên tai đối với công trình hồ chứa nước Nước Trong và đe doạ đến tính mạng, tài sản của nhiều người dân.
Trước tình hình trên, Quảng Ngãi yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sơn Hà thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn và diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời thông báo, di dời 4 hộ dân với 21 nhân khẩu vùng sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức di chuyển các cháu tại điểm trường mầm non Hướng Dương tới điểm trường tiểu học Sơn Bao để đảm bảo an toàn cho các cháu.
Lưu ý, điểm sạt lở này có thể diễn ra sau khi có mưa lớn, do đó cần quán triệt và nhất quán thực hiện việc sơ tán các hộ dân theo nguyên tắc “đi sớm, về muộn”, chỉ đến khi nào xác định đã an toàn mới để người dân quay lại nhà.
Bố trí bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến mưa lớn, sạt lở đất chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại khu vực bị sạt lở khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Huy động lực lượng, phương tiện và bố trí kinh phí tổ chức xử lý điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Sạt lở đất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là một số tác động chính:
Thiệt hại về đất đai: Sạt lở đất làm mất đi lớp đất màu mỡ, gây khó khăn cho việc trồng trọt và phục hồi hệ sinh thái.
Mất đa dạng sinh học: Lũ quét và sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.
Ô nhiễm nguồn nước: Sạt lở có thể mang theo chất thải, hóa chất và rác thải, gây ô nhiễm các nguồn nước như sông, suối.
Tăng nguy cơ thiên tai: Những khu vực đã trải qua lũ quét và sạt lở đất có thể dễ bị tổn thương hơn trong các trận lũ lụt hoặc sạt lở tiếp theo.
Hủy hoại cơ sở hạ tầng: Các công trình như cầu, đường giao thông và nhà cửa có thể bị phá hủy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế.
Thay đổi địa hình: Sạt lở có thể làm thay đổi cấu trúc địa hình, ảnh hưởng đến dòng chảy của nước và làm tăng khả năng xảy ra lũ quét trong tương lai.