Hiện, người dân các xã vùng lòng hồ Thác Bà của huyện Yên Bình đang phát triển nuôi cá trên hồ với hai hình thức là nuôi trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Qua thống kê, hiện có 2.057 lồng nuôi cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá với tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8.000 tấn/năm. Đáng chú ý, sản lượng cá da trơn chất lượng cao nuôi bằng lồng tăng nhanh trong năm 2021 như: cá lăng chấm ước đạt 1.500 tấn, trên 200 tấn cá ngạnh, hơn 300 tấn cá nheo.
Lồng cá bằng lưới mắt nhỏ trên hồ Thác Bà
Khu vực xung quanh hồ Thác Bà đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác cùng trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Hiện có khoảng 15% dân số ở ven hồ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản (tôm, cá). Hầu hết cơ sở nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản trong vài năm trở lại đây, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa.
Được biết, cá ngạnh là một trong những loài cá da trơn, quý hiếm, thịt cá màu vàng, săn chắc và đặc biệt có hàm lượng đạm, vitamin và khoáng chất rất bổ dưỡng nên giá trị kinh tế cao. Cá sống tự nhiên ở sông Hồng, sông Chảy và ở hồ Thác Bà.
Trước đây, ở Hồ Thác Bà loài cá này chủ yếu được người dân đánh bắt tự nhiên bằng các cách như: kích điện, khai thác bằng mắt lưới mau, lưới câu nhỏ, đắp đập… là nguyên nhân làm giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản này. Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt dần thì người dân trong khu vực Hồ Thác Bà đã thử nghiệm việc nuôi loài cá này trên các lòng hồ hay trên sông.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hồ Thác Bà có trên 3.000 lồng cá nuôi, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, tỉnh Yên Bái ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100 m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng và 5 triệu đồng/lồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản phục vụ cho xuất khẩu, theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”, gắn nuôi trồng với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất VietGAP và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân để nhân rộng ra các xã vùng lòng hồ; trong đó, tập trung đầu tư con giống, lưới quây trên các eo ngách và kết nối với thị trường tiêu thụ để bà con yên tâm sản xuất.
Minh Kiên