Yến sào có lợi cho sức khỏe nhưng tuổi nào không nên ăn yến?

Lan Hạ|27/11/2024 09:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Yến sào hay tổ yến là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe nhưng một số nhóm người cần lưu ý khi sử dụng để tránh phản tác dụng.

Yến sào là một món ăn ngon, bổ dưỡng và ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhu cầu nâng cao sức khỏe.

Yến sào là gì?, công dụng của yến

Yến sào thường được xem như một món ăn cao quý, đắt đỏ và là một dược liệu quý được dùng trong y học cổ truyền cả nghìn năm. Điều đó là nhờ vì yến sào chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và có tính dược liệu.

Theo đó, hàm lượng Protein chiếm 50-55% trọng lượng khô của tổ yến. Ngoài ra, thành phần Carbohydrate, trong đó chủ yếu là acid sialic giúp phát triển cấu trúc não bộ. Yến sào còn chứa các nguyên tố vi lượng như canxi, natri, magie, kẽm, mangan và sắt.

Ngoài ra, yến sào còn chứa rất nhiều hợp chất khác mang hoạt tính sinh học cao như: glucosamin, acid béo, vitamin, chất chống oxy hóa và acid amin thiết yếu khác.

26-yen-sao.jpg
Yến chưng là món ăn thơm ngon và giàu dinh dưỡng

Vì yến chứa nhiều chất dinh dưỡng quý nên nó là một loại thực phẩm không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn dễ tiêu hóa và hấp thu, phù hợp với cả những người hệ tiêu hóa kém. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng tốt trong điều trị triệu chứng của bệnh lý dạ dày, kích thích ăn ngon miệng.

Ngoài việc giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, yến sào còn giúp cho làn da trẻ khỏe. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng yến sào có khả năng dưỡng ẩm, làm trắng và bảo vệ da khỏi quá trình oxy hóa. Do đó, loại thực phẩm bổ dưỡng này được phái nữ tin dùng để giữ làn da luôn được trẻ khỏe.

Yến còn tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa cúm A. Một số hoạt tính sinh học được tìm thấy trong yến sào có khả năng ức chế virus cúm A. Cơ chế của tác dụng này là nhờ khả năng ức chế protein bề mặt của virus, dẫn tới làm giảm số lượng virus được phóng thích có thể lây nhiễm sang tế bào khác.

Ngoài ra, nó còn làm tăng đáp ứng miễn dịch tự nhiên, giúp kiểm soát quá trình gây bệnh và nhân lên của virus cúm.

Yến còn ngăn ngừa tình trạng lão hóa. Từ thời xưa, yến sào đã được những người thuộc tầng lớp quý tộc sử dụng để ngăn ngừa quá trình lão hóa. Người ta cũng nhận thấy nhóm người thường xuyên sử dụng loại thực phẩm này khỏe mạnh, ít bệnh tật, cơ thể dẻo dai hơn, cơ thể chậm lão hóa hơn so với người cùng độ tuổi.

Không những thế, việc sử dụng yến sào còn giúp cải thiện sức khỏe của xương. Người ta cũng nhận thấy ngoài bổ sung canxi cho cơ thể, yến sào còn cung cấp thành phần glucosamine giúp tái tạo sụn khớp.

Không những thế, dùng yến sào thường xuyên còn giúp phòng tránh giảm mật độ xương (loãng xương) ở phụ nữ mãn kinh và giảm thiểu nguy cơ viêm khớp cũng như các bệnh lý thoái hoá khớp nhờ làm giảm tổng hợp các chất gây viêm.

Yến sào là lựa chọn phù hợp để bổ sung nhằm bảo vệ xương khớp ở những người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ trung niên.

Yến sào chứa một lượng lớn protein, trong đó một số loại protein có công dụng đẩy nhanh quá trình sản xuất tế bào bạch cầu, thành phần quan trọng của hệ miễn dịch giúp hỗ trợ điều trị bệnh.

Ngoài ra, chiết xuất của yến sào có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân ung thư, kích thích tăng sinh tế bào gốc có nguồn gốc từ mỡ ở người,... từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe.

Yến sào có chứa các chất chống oxy hóa đặc trưng như ovotransferrin và lactoferrin, giúp cơ thể chống lại những ảnh hưởng xấu từ các gốc tự do, tránh làm tổn thương màng tế bào, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bởi vậy, nhiều gia đình sử dụng yến sào thường xuyên với mục đích phòng các bệnh lý tim mạch, ung thư...

Yến sào còn có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh nhờ khả năng chống oxy hoá tuyệt vời của nó, giúp chống lại các độc tính tế bào do quá trình oxy hóa lên tế bào thần kinh. Những bệnh nhân mắc chứng thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, Parkinson, tai biến mạch máu não,... có thể sử dụng yến sào để giảm thiểu triệu chứng của bệnh.

Cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng yến sào có thể có đặc tính bảo vệ não, tăng cường trí nhớ, giúp tăng sự tập trung của não bộ. Sử dụng yến sào giúp cải thiện chức năng hệ thần kinh.

Nhờ chứa một lượng lớn các acid amin, vitamin, axit béo và khoáng chất,... yến sào giúp nhanh hồi phục sau phẫu thuật, có thể hỗ trợ hồi phục sức khỏe ở những người phụ nữ sau sinh, khi cơ thể còn yếu do mất một lượng máu lớn kèm sự thay đổi đột ngột của hệ nội tiết.

Ngoài ra, yến sào cũng có tác dụng thúc đẩy tốc độ hồi phục ở những bệnh nhân sau mổ, kích thích tăng sinh mô và tổ chức, giúp chóng liền sẹo vết mổ.

Nguồn dinh dưỡng quý từ yến sào giúp tăng cường sức khỏe cho phụ nữ có thai. Không chỉ là tốt cho mẹ bầu, yến sào còn hỗ trợ cho thai nhi phát triển tốt, đảm bảo chức năng não bộ trẻ từ thời kỳ bào thai.

Một nghiên cứu của khoa giải phẫu Đại học Quốc Gia Malaysia đã thực hiện tiêm huyết thanh tổ yến trên động vật nghiên cứu (thỏ). Họ đã nhận thấy những con thỏ trong thử nghiệm có sự tăng sinh tế bào sợi ở giác mạc, giúp bảo vệ mắt, tránh tổn thương và nhanh lành những vùng tổn thương.

Sử dụng yến sào thường xuyên giúp bảo vệ đôi mắt của bạn tránh khỏi những tổn thương và thúc đẩy chữa lành trong trường hợp có tổn thương, hỗ trợ cải thiện thị lực, nhất là trong điều kiện không khí nhiều khói bụi và ô nhiễm như hiện nay. Ngoài ra, chúng còn giúp giảm tình trạng mỏi mắt, nhìn mờ khi làm việc trong thời gian dài.

Ngoài ra, yến sào còn giúp khắc phục các triệu chứng hậu COVID-19 như rụng tóc, khó thở, mất ngủ,...của một số người, hỗ trợ hồi phục sức khỏe toàn diện, kích thích ăn ngon, ngủ ngon hơn. Với hàm lượng lớn protein, yến sào còn cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng khác, trong đó phải kể đến sắt có tác dụng bổ huyết và điều hòa lưu thông máu, hỗ trợ tình trạng thiếu máu cho người bệnh sau phẫu thuật, phụ nữ đến kỳ kinh, bà bầu,...và rất tốt trong điều trị các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, hay cáu gắt, mất ngủ,... và giúp duy trì và phát triển các đặc điểm thể chất và sinh lý ở nam giới do chứa 6 hormone, trong đó bao gồm cả estradiol tốt cho nữ giới và testosterone, một loại hormone quan trọng đối với phái mạnh. Nhờ đó, yến sào có thể cải thiện ham muốn tình dục ở cả 2 giới, đồng thời tăng cường năng lượng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, kích thích tuần hoàn.

Ngoài hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các vi khuẩn, virus tấn công hệ hô hấp, yến sào còn được biết đến là loại thực phẩm tốt cho hệ hô hấp. Sử dụng yến sào làm giảm thiểu tình trạng ho, hen suyễn, thích hợp cho những người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính.

Trong yến sào có chứa thành phần Leucine và Phenylalanine có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, đồng thời tổ yến chứa hàm lượng protein cao (khoảng 15-55%) trong đó có 18% là axit amin, có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, chúng còn giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng bệnh nhờ ngăn quá trình oxy hóa, giúp thành mạch máu vững chắc hơn. Yến sào giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết

Lựa chọn sử dụng yến sào hằng ngày trong một thời gian cùng với các nguyên liệu bổ dưỡng khác giúp cho vóc dáng được thon gọn. Yến sào vừa đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể mà vẫn hỗ trợ giảm lượng mỡ thừa, từ đó cải thiện vóc dáng cho các chị em.

Thời điểm tốt để ăn yến sào

26-yen1.jpg
Trẻ dưới một tuổi không nên ăn yến dưới bất kỳ hình thức nào

Bạn nên ăn yến sào khi bụng đang rỗng để hấp thu được các chất dinh dưỡng trọn vẹn như vào buổi sáng, sau khi thức dậy giúp khởi động nhẹ nhàng hệ tiêu hóa hoặc vào buổi chiều giúp bổ sung năng lượng sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng.

Do hệ tiêu hóa chỉ hấp thu một loại thực phẩm với lượng nhất định, lượng dư thừa sẽ không được hấp thu mà bị đào thải ra ngoài cơ thể, gây lãng phí. Vì thế, bạn chỉ nên bổ sung yến sào với lượng đủ và phù hợp cho từng đối tượng.

Đối tượng không nên sử dụng yến

Việc cung cấp quá nhiều yến sào trong khoảng thời gian ngắn không giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, thậm chí gây phản tác dụng, nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm,...

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, yến sào hay tổ yến hàm lượng dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe. Thực phẩm này tăng cường sức khỏe của xương, não bộ, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, sử dụng không đúng liều lượng hoặc không đúng cách có thể phản tác dụng. Với người khỏe mạnh, ăn yến thường xuyên có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người ốm ăn quá nhiều yến sẽ tác động xấu tới hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe nói chung. Lý do, thành phần trong yến đến 45-55% là đạm, ăn quá nhiều đạm không tốt cho cơ thể.

Do đó, người già, người bệnh chỉ nên ăn yến 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3 gram. Ngoài ra, các chuyên gia khuyên nên ăn yến lâu dài và đều đặn. Trẻ dưới một tuổi không nên ăn yến dưới bất kỳ hình thức nào vì hệ tiêu hóa vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Bé không thể hấp thu hết những dưỡng chất từ yến.

Trẻ 1-3 tuổi, có thể tập ăn yến sào hoặc uống nước yến. Tuy nhiên, do yến sào là thực phẩm giàu dinh dưỡng và nhiều đạm nên cha mẹ cần chú ý liều lượng ăn của trẻ để tránh nạp quá nhiều dưỡng chất trong một lần, không tốt cho cơ thể. Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể cho trẻ làm quen và ăn yến mỗi lần khoảng 1-2 gram, ăn 3 lần một tuần.

Trẻ 3-10 tuổi bắt đầu giai đoạn phát triển não và thể chất, là lứa tuổi thích hợp nhất để ăn yến. Yến cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ, do vậy có thể ăn mỗi lần 2-3 gram, một tuần 3 lần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Yến sào có lợi cho sức khỏe nhưng tuổi nào không nên ăn yến?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.