Theo một báo cáo mới của tổ chức Carbon Tracker và công ty tư vấn Systemiq, cuộc chiến chống rác thải nhựa có thể khiến ngành dầu mỏ đặt cược nhiều tỷ đô la rằng thế giới sẽ tiếp tục cần nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn để ngành hóa dầu sản xuất nhựa.
Các công ty dầu mỏ lớn như Saudi Aramco và Royal Dutch Shell có kế hoạch chi khoảng 400 tỷ đô la (300 tỷ bảng Anh) để giúp tăng lượng cung ứng nhựa nguyên sinh thêm 25% trong vòng 5 năm tới nhằm bù đắp cho tác động từ xe điện và công nghệ năng lượng sạch ảnh hưởng tới nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.
Dữ liệu ngành dầu mỏ dự đoán rằng nhựa là động lực lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu trong những năm tới. Tuy nhiên, các số liệu mới cho thấy các khoản đầu tư này có thể bị mắc kẹt khi các chính phủ trên toàn cầu thúc đẩy kế hoạch giảm nhựa sử dụng một lần và tăng cường tái chế để giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa.
Rác thải nhựa từ các vật dụng nhựa sử dụng một lần
Theo báo cáo của Carbon Tracker khẳng định, nhu cầu đối với nhựa nguyên sinh có thể đạt đỉnh vào năm 2027 do đà tăng trưởng nhựa giảm từ 4% xuống 1%/năm – điều này càng củng cố giả thuyết rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt đỉnh vào năm 2019.
“Loại bỏ trụ cột neo giữ tương lai ngành dầu mỏ là nhựa thì toàn bộ giả thuyết về nhu cầu dầu tăng cao sẽ cụp đổ”, chiến lược gia năng lượng Kingsmill Bond thuộc Carbon Tracker khẳng định.
Với báo cáo miêu tả ngành nhựa là “quái vật căng phồng, đã đến giai đoạn tan vỡ” do các chính phủ nóng lòng muốn giảm dấu chân carbon và giải quyết thảm họa nhựa ở đại dương.
Đầu mùa hè năm nay, EU đề xuất khoản thuế 800 EUR mỗi tấn rác nhựa chưa tái chế, chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc cấm nhựa sử dụng một lần không phân hủy sinh học ở các thành phố lớn vào cuối năm nay và tại mọi thành thị vào năm 2022.
Hãng BP cũng đồng ý bán mảng hóa dầu với giá 5 tỷ đô la cho tập đoàn Ineos thuộc sở hữu của tỷ phú Sir Jim Ratcliffe sau khi cảnh báo rằng lệnh cấm nhựa sử dụng một lần sẽ tác động lớn đến ngành dầu mỏ trong những thập kỷ tới.
Sản xuất ít nhựa hơn (từ dầu tinh chế) sẽ giảm dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng triệu thùng dầu trên toàn cầu vốn đang gánh chịu tác động từ đại dịch Covid-19, đồng thời giảm phát thải CO2 ước lượng đạt mức 5 tấn/mỗi tấn nhựa sản xuất ra hoặc 1,75 tỉ tấn CO2/năm.
“Ngành nhựa thật ảo tưởng khi cho rằng có thể tăng gấp đôi phát thải carbon trong lúc thế giới cố gắng giảm phát thải về mức bằng không”, Bond kết luận.
Ngọc Linh (t/h)