48,3 triệu người dân Châu Á bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiểm họa của biến đổi khí hậu

Minh Lâm|17/11/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Báo cáo khí hậu Châu Á 2021, có 48,3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, đặc biệt là bão, lũ. Điều này dẫn đến khoảng 4.000 người thiệt mạng, khoảng 80% là do lũ lụt. Nhìn chung, ước tính thiên tai đã dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế là 35,6 tỷ USD, cao hơn mức trung bình của 2 thập kỷ qua.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập đã diễn ra Lễ công bố Báo cáo khí hậu Châu Á năm 2021.

Tại buổi lễ theo giờ Việt Nam vào chiều 14/11, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á GS. Trần Hồng Thái cho biết, kể từ năm 2020, biến đổi khí hậu đã được quan sát thấy ở toàn khu vực Châu Á.

Nhiệt độ vào năm 2021 trong khu vực cao hơn 0,86°C so với mức trung bình 1981 - 2010, được xếp hạng giữa năm ấm nhất thứ 5 và thứ 7 được ghi nhận. Lượng mưa giảm và sự phát triển của băng tuyết ít hơn đã ảnh hưởng đến lượng nước cung cấp cho cây trồng và làm giảm sản lượng. Thời tiết và các hiện tượng cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về người và tài sản trong toàn khu vực.

Theo ước tính, trong khu vực châu Á có 48,3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, đặc biệt là bão, lũ. Điều này dẫn đến khoảng 4.000 người thiệt mạng, khoảng 80% là do lũ lụt. Nhìn chung, ước tính thiên tai đã dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế là 35,6 tỷ USD, cao hơn mức trung bình của 2 thập kỷ qua, đặc biệt là thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và sạt lở đất.

mua-lu.jpg
Có đến 48,3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, đặc biệt là bão, lũ tại châu Á.

“Những con số này không nói dối về mức độ dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu trong khu vực Châu Á. Khu vực của chúng ta đang thực sự gặp nguy hiểm vì biến đổi khí hậu”, ông Thái nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Hồng Thái, kết quả của COP26 đã có các biện pháp hứa hẹn có thể giữ cho mục tiêu 2 độ C tồn tại. Cho đến nay, hơn 110 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, hơn 105 quốc gia cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030.

Tuy nhiên, Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á cho rằng, ngay cả khi tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết của mình, biến đổi khí hậu được cho là sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và các hiện tượng khí hậu cực đoan được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra với cường độ và tần suất cao hơn. Báo cáo Khí hậu Châu Á năm 2021 là một minh chứng quan trọng để chứng minh kỳ vọng đó.

Nhấn mạnh Việt Nam luôn mong muốn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng WMO, đặc biệt là cộng đồng Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á, ông Trần Hồng Thái cho biết, Việt Nam rất tự hào về sự đóng góp của mình cho một trong những sản phẩm của cộng đồng là Báo cáo hiện trạng khí hậu ở châu Á 2021.

Báo cáo này có ý nghĩa đối với cộng đồng toàn cầu và châu Á, cung cấp thông tin quan trọng giúp các chính phủ và các nhà lãnh đạo trong khu vực và trên thế giới để xây dựng và ban hành các chính sách hiệu quả nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Hồng Thái bày tỏ hy vọng các nước phát triển sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình để hỗ trợ và tài trợ cho các nước đang phát triển trong các hành động vì khí hậu.

Ông Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng thư ký kiêm Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), nhận định do lũ lụt và xoáy thuận nhiệt đới trong khu vực gây ra thiệt hại kinh tế cao nhất, nên việc đầu tư cho thích ứng phải được ưu tiên cho các hành động và sự chuẩn bị trước.

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cho nên cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng mới cần được hoàn thiện hơn, cùng với những cải tiến trong quản lý tài nguyên nước và sản xuất cây nông nghiệp trên các vùng đất khô hạn, trong khi các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại lợi ích lâu dài và rộng rãi.

Phần lớn các quốc gia châu Á đã ưu tiên vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu trong các kế hoạch hành động về khí hậu, trong đó phần lớn coi nguồn nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, và y tế là các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

Các ưu tiên thích ứng hàng đầu được đưa ra xuất phát từ bối cảnh rủi ro và đòi hỏi lợi ích – chi phí đầu tư cao, bao gồm tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu được với thiên tai; làm cho việc quản lý tài nguyên nước trở nên linh hoạt hơn; cải thiện sản xuất nông nghiệp trên các vùng đất khô hạn; thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Đầu tư vào các hành động chính sách này sẽ thúc đẩy tiến bộ trong phát triển bền vững và hành động vì khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
48,3 triệu người dân Châu Á bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiểm họa của biến đổi khí hậu