Thông tin kết luận trong báo cáo "Global Carbon Budget" (Báo cáo ngân sách carbon), được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6-18/11. Theo các nhà khoa học, lượng khí thải từ dầu mỏ trong năm 2022 có thể sẽ tăng 2% so với năm ngoái, trong khi lượng khí thải từ than đá được cho là sẽ cao hơn mức kỷ lục từng ghi nhận năm 2014.
Ông Glen Peters, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu khí hậu CICERO ở Na Uy - đồng tác giả của báo cáo, cho biết các hoạt động phục hồi kinh tế sau COVID-19, đặc biệt trong ngành vận tải hàng không, là nguyên nhân chính thúc đẩy việc sử dụng xăng dầu năm nay.
Trong khi đó, việc Nga hạn chế nguồn cung khí đốt tự nhiên, khiến giá khí đốt toàn cầu tăng vọt, đã buộc nhiều quốc gia phải gia tăng sử dụng than - loại nhiên liệu hóa thạch phát thải CO2 lớn nhất.
Theo các nghiên cứu khoa học, phát thải CO2 toàn cầu từ tất cả các nguồn - trong đó có khai thác rừng và đất, sẽ đạt 40,6 tỷ tấn. Con số này chỉ thấp hơn mức kỷ lục ghi nhận năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.
Dù trong năm 2020, việc áp dụng các hạn chế chống dịch đã giúp lượng khí thải toàn cầu giảm nhẹ, song trong năm 2021, những yếu tố như phục hồi kinh tế sau đại dịch, khủng hoảng nhiên liệu do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, cũng như sự gia tăng ô nhiễm CO2 từ sử dụng dầu, khí đốt và than đá nói chung đã thúc đẩy xu hướng tăng trở lại này.
Theo Hội đồng khoa học khí hậu của Liên hợp quốc, lượng khí nhà kính toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030 để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Peters cho biết lượng khí thải CO2 hiện nay đã cao hơn 5% so với thời điểm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.
Trong sự phát triển của nhân loại, vai trò của năng lượng hóa thạch nói chung và than đá nói riêng rất quan trọng. Than đá, dầu mỏ, khí đốt là nguồn cung năng lượng chủ yếu trên toàn cầu. Than là nguyên liệu chính trong các nhà máy nhiệt điện, các máy hơi nước, đầu máy xe lửa. Nhiệt điện từ đốt than cũng tạo ra nguồn năng lượng lớn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên năng lượng hóa thạch cũng bị xem là "thủ phạm" chính tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hoạt động của con người đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên và nhiều hơn 30% so với xăng.
Khi các quốc gia tăng cường sử dụng năng lượng hóa thạch, mục tiêu giới hạn mức độ nóng lên toàn cầu vào năm 2100 ở mức 1,5º C so với thời kỳ tiền công nghiệp chắc chắn sẽ không thể thực hiện được. Xu hướng sử dụng năng lượng hiện tại của thế giới đang dẫn đến tình trạng khí hậu ấm lên ở tốc độ nhanh hơn nhiều so với ước tính. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các tảng băng, rừng nhiệt đới và lãnh nguyên, thể hiện ở tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu và các nơi khác, hạn hán, cháy rừng, bão lũ dữ dội hơn và ngày càng đông người phải di cư vì khí hậu khắc nghiệt.