8 mẹo ăn uống thông minh để bảo vệ sức khỏe trong dịp tết Nguyên đán 2025
Tết Nguyên đán là thời điểm mọi người đoàn tụ, nghỉ ngơi và thưởng thức những món ăn truyền thống đặc sắc. Để tận hưởng trọn vẹn không khí ngày Tết mà vẫn đảm bảo sức khỏe, bạn cần có một chiến lược dinh dưỡng hợp lý.
Dinh dưỡng ngày Tết không chỉ là câu chuyện ăn gì mà còn là cách bạn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân. Hãy tận hưởng các món ăn truyền thống một cách khoa học, kết hợp cùng vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp bạn giữ gìn sức khỏe, tràn đầy năng lượng để bắt đầu năm mới với tinh thần phấn chấn và lạc quan
1. Ăn uống khoa học
Trong những ngày lễ Tết, các buổi tiệc diễn ra nhiều với tần suất dày đặc, cho nên bạn tìm cho mình cách ăn uống như thế nào là hợp lý. Lời khuyên cho bạn chính là mỗi bữa ăn chỉ nên ăn khoảng 70 - 80% lượng thức ăn so với bình thường.
Để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng tham gia các hoạt động ngày Tết, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, thay vì ăn 3 bữa chính như thường lệ, có thể chia nhỏ thành 4 - 5 bữa trong ngày. Lưu ý không nên ăn quá no.
Đồ ăn và thức uống trong ngày Tết cũng cần phải đảm bảo các yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu có uống rượu bia trong dịp này, bạn cũng không nên uống quá say và uống thường xuyên, không uống quá 5 lần/tuần.
2. Kết hợp các món ăn hợp lý
Khi lên thực đơn cho ngày Tết, các gia đình nên kết hợp các món ăn một cách hợp lý với lượng vừa đủ, hạn chế các món ăn trùng lặp. Ví dụ như đã có bánh chưng, bánh tét thì nên hạn chế các món giàu tinh bột khác như bún, miến...
Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, các món chiên xào nhiều dầu mỡ. Thay vào đó hãy sử dụng các phương pháp chế biến khác như hấp, luộc, nướng... đồng thời bổ sung thêm hải sản vào thực đơn ngày Tết để kích thích vị giác cho mọi người.
3. Tăng cường rau xanh và chất xơ
Để cân bằng dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe, việc tăng cường rau xanh và chất xơ trong bữa ăn là điều vô cùng cần thiết. Rau xanh không chỉ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết mà còn giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Các loại rau như cải xanh, bắp cải, súp lơ hoặc các món salad, rau sống đều là lựa chọn lý tưởng. Bên cạnh đó, trái cây tươi như bưởi, cam, táo và các loại quả mọng cũng giúp bổ sung chất xơ và tăng cường đề kháng.
Hãy ưu tiên các món ăn từ rau củ trong mâm cỗ Tết, chẳng hạn như dưa món, canh rau củ, hoặc các món luộc, hấp để giữ trọn dinh dưỡng. Đừng quên uống đủ nước và hạn chế sử dụng quá nhiều gia vị để giữ nguyên độ tươi ngon và lợi ích của thực phẩm.
4. Quản lý đồ uống ngày Tết
Đa số những loại thức uống ngày Tết được sử dụng là bia, rượu và nước ngọt. Tuy nhiên đây đều là những loại đồ uống nếu uống nhiều sẽ không tốt. Chính vì thế bạn chỉ nên dùng 1 lon bia (330ml) hoặc 1 ly rượu nhẹ (60ml) là tốt nhất.
Còn đối với nước ngọt, một ngày cũng không nên dùng quá 1 lon, đối với những bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) thì không nên dùng. Bạn cũng có thể chọn những loại nước ép hoặc trà để thay thế cho bia rượu hay nước ngọt trong ngày Tết. Đừng quên bổ sung ít nhất 2 lít nước để giúp cơ thể thanh lọc và giảm tác hại của bia rượu.
5. Không nên tích trữ quá nhiều thức ăn
Việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết là một thói quen không tốt, vì bạn không thể đảm bảo được rằng mình sẽ bảo quản tốt tất cả các loại thực phẩm được.
Chỉ nên trữ thực phẩm vừa đủ dùng, hơn nữa đối với những loại thực phẩm cần trữ đông, bạn nên chia thành từng gói nhỏ để bảo quản và dùng hết sau khi rã đông.
Đối với các loại bánh mứt, giò chả chế biến sẵn bạn cũng nên hạn chế dùng. Nếu được hãy tự tay chuẩn bị chúng với một lượng vừa đủ, bảo quản đúng cách và dùng dần trong Tết.
Bạn tốt nhất vẫn nên tận dụng những nguồn thực phẩm tươi sống để chuẩn bị thức ăn, điều này vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa đảm bảo hương vị thơm ngon.
6. Duy trì vận động trong ngày Tết
Ngày Tết, bên cạnh những bữa tiệc sum họp và không khí lễ hội náo nhiệt, việc duy trì vận động thể chất là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe và giữ tinh thần tươi mới. Chỉ cần những hoạt động đơn giản như đi bộ ngắm hoa xuân, dọn dẹp nhà cửa hay tham gia các trò chơi dân gian truyền thống cũng có thể mang lại nhiều lợi ích.
Bạn có thể dành 20-30 phút mỗi ngày để tập các bài yoga, thể dục tại nhà, hoặc đi dạo ngoài trời để cơ thể được thư giãn. Việc vận động đều đặn không chỉ giúp tiêu hao năng lượng thừa từ các bữa ăn giàu dinh dưỡng mà còn kích thích tuần hoàn máu, cải thiện hệ tiêu hóa và nâng cao hệ miễn dịch.
7. Giải quyết những vấn đề về tiêu hóa trong ngày Tết
Rối loạn tiêu hóa là hội chứng thường gặp trong ngày Tết do bạn đã dùng phải những loại thực phẩm để lâu, chứa chất bảo quản hoặc do ăn dư đạm, dư chất béo.
Để khắc phục tình trạng này bạn nên chọn cách ăn chín, uống sôi, dùng các loại thức ăn dễ tiêu hóa đạm như cà chua, thơm (dứa/ khóm), bổ sung các loại thực phẩm lên men hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua (ăn hoặc uống), các loại dưa kiệu, cải chua...
Sữa chua cũng là một lựa chọn tốt giúp lợi khuẩn đường ruột trong những ngày Tết. Nhưng thực phẩm này không được khuyến khích cho những bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày, dễ bị kích ứng, khó tiêu.
8. Những đối tượng cần cẩn trọng về dinh dưỡng ngày Tết
Đối với trẻ em: Khi trẻ ở nhà hay đi chúc Tết cùng gia đình, hãy hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, dầu mỡ, các loại nước ngọt, nước trái cây đóng hộp… Trong một ngày, cố gắng đảm bảo đầy đủ 3 bữa chính và 2 bữa phụ cho trẻ. Chế biến các món ăn dinh dưỡng ngày Tết cho trẻ dễ ăn, dễ tiêu hóa.
Đối với mẹ bầu: Nên ăn các thực phẩm tươi sống được nấu chín kỹ, ăn nhiều các loại hoa quả và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ, ăn các loại hạt để bổ sung các axit béo thiết yếu và khoáng chất… rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
Đối với người cao tuổi: Để đáp ứng được nhu cầu bồi bổ và bảo vệ sức khỏe, người cao tuổi nên ăn chậm, nhai kỹ thức ăn và hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng muối cao, thực phẩm nhiều dầu mỡ… Thay vào đó, người lớn tuổi ăn nhiều món ăn dinh dưỡng ngày Tết được chế biến theo phương pháp hấp, luộc, hầm thái nhỏ và mềm để dễ nhai và dễ tiêu hóa.
Những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường cần lưu ý kiêng ăn nhiều tinh bột, không sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo động vật.
Riêng bệnh nhân đái tháo đường không dùng quá 200gr bánh chưng hoặc bánh tét mỗi ngày và hạn chế tối đa các loại bánh ngọt, mứt. Người bệnh tăng huyết áp thì không nên dùng thực phẩm có hàm lượng muối cao.